Nhiều tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học khi thời tiết dưới 10 độ
Nhiều tỉnh thành mới đây đã nhanh chóng có thông báo về quy định nghỉ học khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong hôm nay (8/1), không khí lạnh tăng cường tiếp tục tác động đến thời tiết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến những nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ khiến nền nhiệt các khu vực trên tiếp tục giảm.
Cụ thể, nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng là 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C. Trọng tâm rét hại nằm ở các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Trong tình hình này, nhiều tỉnh thành đã nhanh chóng có thông báo về quy định nghỉ học khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Sáng 8/1, thông tin trên Tiền Phong, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, hằng ngày các nhà trường cập nhật thời tiết để lùi giờ học chứ không nghỉ đồng loạt như trước đây.
Ông Tiến cho biết, theo quy định cũ, cha mẹ học sinh theo dõi dự báo thời tiết lúc 6h20 sáng mỗi ngày trong Chương trình Chào buổi sáng của VTV1, nếu nhiệt độ dưới 10 độ C (với HS tiểu học) và 7 độ C (với HS THCS) cha mẹ chủ động cho con nghỉ học.
Tuy nhiên, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi đến các địa phương với quy định mới, khác trước. Theo đó, việc cập nhật tình hình thời tiết hằng ngày để các trường lùi giờ học chứ không nghỉ học đồng loạt như trước đây.
Trước đó, Hà Nội có văn bản yêu cầu các nhà trường có phương án chống rét cho học sinh. Những trường có tổ chức bán trú, cần đặc biệt quan tâm: đảm bảo đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa ấm áp; chuẩn bị đủ cơ số thuốc theo quy định phục vụ công tác y tế học đường.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị, trường học, đặc biệt là các trường học vùng nông thôn, miền núi và các lớp điểm lẻ, địa bàn khó khăn cần chú ý thực hiện một số nội dung đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại.
Các đơn vị đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng học chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.
Tương tự, Sở GD&DT thành phố Hải Phòng vừa ra công văn quy định, hướng dẫn các trường mầm non, tiểu học, phổ thông trên địa bàn căn cứ tình hình thời tiết rét đậm, rét hại để phòng chống rét cho học sinh.
Cụ thể, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Lê Quốc Tiến vừa ký công văn quy định về việc bảo đảm sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh. Theo đó, thành phố này sẽ cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Học sinh THCS và THPT nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C.
Sở GD&ĐT TP sẽ phối hợp với cơ quan báo đài về việc thông báo nhiệt độ ngoài trời khu vực Hải Phòng trong những ngày trời rét đậm, rét hại. Cơ quan này đề nghị phụ huynh học sinh cần theo dõi thông tin nêu trên. Căn cứ vào đó, các đơn vị giáo dục được phép quyết định cho học sinh nghỉ học.
Ảnh minh họa
Trước đó, theo Pháp luật và Bạn đọc, ngày 7/1, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi tới các cơ sở giáo dục về việc chủ động các biện pháp đảm bảo sức khỏe và phòng, chống rét đậm, rét hại cho học sinh. Trong văn bản có nội dung:
Khi nhiệt độ ngoài trời tại khu vực dưới 10 độ, trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được nghỉ học. Khi nhiệt độ ngoài trời tại khu vực dưới 7 độ, học sinh THCS được nghỉ học. Thông tin về thời tiết căn cứ vào Bản tin dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam từ 6h-6h30 hàng ngày.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho phép học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi thời tiết khắc nghiệt dưới 10 độ. Học sinh THCS nghỉ học khi thời tiết khắc nghiệt dưới 7 độ. Sở GD&ĐT tỉnh cũng yêu cầu trong những ngày rét đậm, rét hại, căn cứ vào điều kiện thời tiết tại mỗi vùng, các trường mầm non, tiểu học, TH&THCS, PTCS, THCS chủ động điều chỉnh thời gian học buổi sáng muộn hơn so với thời gian quy định để tránh thời tiết giá rét vào thời điểm sáng sớm.
Các trường cho phép học sinh nghỉ học từ 3 ngày trở lên phải báo cáo Phòng GD&ĐT bằng văn bản kèm theo kế hoạch dạy bù để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học; không được dạy dồn tiết hoặc rút ngắn chương trình.