Nhanh chóng đưa học sinh 'bắt nhịp' học tập trực tiếp
Sau gần 2 tháng tạm nghỉ học trực tiếp do dịch, học sinh Tiểu học tỉnh Ninh Bình đã trở lại trường với tỉ lệ trên 96%. Việc chuẩn bị kết thúc năm học và “dặm’ lại kiến thức cho học trò đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Trở lại dạy, học trực tiếp là mong muốn của giáo và học sinh.
Sẵn sàng mọi điều kiện đón học trò
Thông tin từ Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, trong ngày đầu tiên học sinh Tiểu học quay lại trường học trực tiếp, Ninh Bình có 153 trường Tiểu học và Trường Tiểu học & THCS đều chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón học sinh.
Đã có 91.368/94.877 học sinh tiểu học đến trường trong ngày đầu trở lại trường, đạt tỷ lệ trên 96%. Số học sinh chưa đến trường được xác định diện F0, ốm hoặc lý do cá nhân sẽ trở lại sớm trong những ngày tới.
Cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình) trao đổi: Trường có hơn 600 học sinh, ngày đầu trở lại học trực tiếp vắng 20 em (trong đó 5 học sinh diện F0, 4 em diện F1, 11 em xin nghỉ ốm).
Đạt được tỉ lệ chuyên cần như vậy cũng là thành công bước đầu trong việc “kéo” học sinh trở lại trường lớp. Số học sinh nghỉ còn nghỉ dự tính cũng quay lại học tập đầy đủ trong vài ngày tới bởi nhà trường, giáo viên đều nắm rõ lý do từng em và luôn theo sát động viên, đốc thúc.
Cô Mỹ cho biết thêm, nhằm đảm bảo đón học sinh trở lại trường an toàn và tỉ lệ chuyên cần tối đa, ngoài công tác dọn dẹp vệ sinh, giáo viên còn viết kịch bản huy động học sinh đi học, phụ huynh cho trẻ trở lại trường... tuyên truyền trên loa phát thanh các cấp, kết hợp thông báo lịch đến trường tới cả phụ huynh và học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến. Đặc biệt, Phòng giáo dục còn yêu cầu giáo viên mặc áo dài, bật nhạc thiếu nhi… để tạo tâm thế vui tươi, phấn khởi đón học sinh tới trường, lớp.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Ninh Mỹ bắt nhịp ngay với học tập ngày đầu trở lại trường lớp.
Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Thịnh B (Gia Viễn, Ninh Bình) trao đổi: 10/273 học sinh vắng mặt trong ngày đầu trở lại trường nhưng đều có lý do F0, F1. Do thời gian nghỉ học trực tiếp đôi dài (gần 2 tháng), học sinh chỉ gặp nhau và thầy cô trong quá trình học trực tuyến nên tinh thần trở lại trường học tập rất hồ hởi.
“7h kém, nhiều học sinh đã tới trường. Tâm thế các em đầy phấn khởi, chủ động. Bản thân đội ngũ giáo viên cũng “ngóng” từng ngày việc học sinh quay lại trường để được dạy học trực tiếp, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng dạy học, bù lấp kiến thức cho học sinh…”, cô Hạnh nói.
Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (Thành phố Ninh Bình) có 1.947 học sinh/45 lớp. Việc chuẩn bị đón học sinh Tiểu học trở lại trường sau gần 2 tháng học trực tuyến được nhà trường đã xây dựng kế hoạch kĩ càng từ chuẩn bị về cơ sở vật chất, tổng vệ sinh trường lớp, lên các phương án phòng, chống dịch;
Cùng đó thông báo với phụ huynh để phối hợp với nhà trường đưa các con đến trường; lên các phương án về thực hiện các chương trình giáo dục cho học sinh khi quay trở lại trường học trực tiếp phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý, trong thời gian học sinh nghỉ dịch, nhà trường đã tham mưu với lãnh đạo, chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND thành phố Ninh Bình tạo điều kiện cho nhà trường sửa chữa, quét sơn khu nhà hiệu bộ, lát lại nền lớp học, xây lan can hành lang lớp học, quét sơn.
Do đó trường không chỉ tạo được cảnh quan khuôn viên trường, lớp mà đã tạo không khí tưng bừng, phấn khởi đón học sinh ngày đầu trở lại trường sau 1 thời gian dài. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện khi tổ chức ăn bán trú trong tuần tới…
Có thể ghi nhận, hầu hết các trường Tiểu học của Ninh Bình đã tạo ra không khí phấn khởi, trang trọng, an toàn ngay ngày đầu đón học sinh trở lại trường.
Các nhà trường đều có kế hoạch "dặm" lại kiến thức cũ trong thời gian học trực tuyến cho học trò.
Để năm học về “đích” chất lượng
Theo cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Xá, hiện toàn trường đã dạy nội dung kiến thức tuần 30, chỉ vài tuần nữa kết thúc năm học. Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên, dù tình hình dịch tạm ổn nhưng vẫn thực hiện theo công văn 3969 của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, trường sẽ dạy tiếp chương trình để kết thúc năm học theo kế hoạch. Thời gian còn lại khoảng 1 tháng, nhà trường sẽ tận dụng tập trung ôn tập những kiến thức mà học sinh chưa vững, đặc biệt "dặm" lại phần kiến thức trong quá trình dạy học trực tuyến. Với cách triển khai này, trong trường hợp dịch bệnh trở lại thì chương trình đã hoàn tất, học sinh vẫn đảm bảo được kiến thức mới và cũ.
Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Thịnh B (Gia Viễn, Ninh Bình) cũng bày tỏ: Do học sinh ở vùng không thuận lợi nên chỉ 2/3 học trực tuyến, 1/3 phải triển khai giao bài nên nhà trường quán triệt tinh thần dạy “đuổi” hết chương trình, tận dụng thời gian còn lại củng cố, ôn tập lại kiến thức cũ cho học sinh. Đặc biệt với học sinh lớp 1, lớp 2 trường yêu cầu giáo viên bằng mọi cách giúp các em nắm vũng nội dung, kiến thức, kỹ năng yêu cầu trước khi lên lớp.
Tại Trường Tiểu học Khánh Phú (Thành phố Ninh Bình) Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên quan tâm sát sao việc học của các em học sinh, phân loại học sinh theo mức độ nắm vững kiến thức, nhất là những nội dung không được học trực tiếp để ôn tập, củng cố, bổ sung các nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh. Với học sinh F0, nhà trường chỉ đạo giáo viên với nhiều hình thức giao bài qua mail, zalo, tranh thủ thời gian buổi tối dạy online cho các em chủ động nắm vững kiến thức.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên lớp 2 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) trao đổi: Sau gần 2 tháng chuyển sang học trực tuyến, qua kiểm tra tại lớp cho thấy nhiều học sinh viết sai lỗi chính tả, chữ xấu, làm toán và đọc văn bản chậm hơn so với học trực tiếp. Do đó, bước vào học trực tiếp bên cạnh dạy chương trình sẽ “dặm” lại kiến thức cũ.
“Dù vất vả nhưng giáo viên phải nỗ lực hết mình để đảm bảo giúp học sinh bắt nhịp với guồng học tập, kiến thức vững vàng trước khi bước vào năm học mới…”, cô Hương chia sẻ.
Để thực hiện hiệu quả dạy và học trực tiếp, Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch và Công văn 404/SGDĐT-GDTH của Sở GD&ĐT về việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh tiểu học. Căn cứ vào thực tế từng trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú. Trong tuần đầu học sinh tới trường, trước 15h hàng ngày, báo cáo Sở GD&ĐT tình tình trường lớp, học sinh đi học trở lại. |