Nhà vệ sinh không còn là nỗi sợ của học sinh Indonesia
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong trường học, cứ 25 học sinh nên có một nhà vệ sinh.
Một học sinh Indonesia rửa tay trước khi vào giờ học.
Việc không đủ nước, vệ sinh môi trường và các công trình vệ sinh trong trường học ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự chuyên cần và phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, bất chấp mối liên hệ trực tiếp giữa nước, vệ sinh môi trường và các cơ sở vệ sinh đối với sức khỏe của học sinh, các trường phổ thông tại Indonesia chưa có đủ hoặc chưa dành đủ kinh phí cải thiện điều này.
Một nghiên cứu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới do Chính phủ Australia hỗ trợ đã ghi lại những thách thức về nước, sức khỏe và vệ sinh mà các trường học Indonesia phải đối mặt. Nghiên cứu phát hiện, 3/4 trường học được khảo sát không đáp ứng tiêu chuẩn về nhà vệ sinh dành cho học sinh theo khuyến cáo của WHO.
Cụ thể, 45% trường thiếu xà phòng và nước máy. Các trường khó khăn nhất nằm ở vùng nông thôn như Lombok, Banten, Đông Java, Trung Java, Yogyakarta và Nam Sulawesi.
Trước tình hình trên, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Bộ Giáo dục Indonesia triển khai dự án cải thiện chất lượng giáo dục của quốc gia này, trong đó có mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng bao gồm nước, vệ sinh và các cơ sở vệ sinh trong trường trung học Indonesia.
“Nhà vệ sinh được sửa và thay cửa nên cháu rất yên tâm sử dụng. Cháu cảm thấy rất vui khi đến trường và thích học tập”, nữ sinh Almira bày tỏ. |
Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, các tiêu chuẩn vệ sinh và sức khỏe nhằm ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm càng được ngành Giáo dục Indonesia chú trọng. Vào tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ (MoECRT), Bộ Tôn giáo (MORA), Bộ Y tế (MOH) và Bộ Nội vụ (MOHA) đã ra sắc lệnh yêu cầu khi các trường mở cửa lại cần có nhà vệ sinh và khu vực rửa tay sạch sẽ nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Trước khi đại dịch bùng phát, nhiều trường học không có nhà vệ sinh hay bồn rửa tay có nước máy và xà phòng, nhưng nay đã nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất đáp ứng quy định của chính phủ. Trường học của cô bé Almira, sống tại Jakarta, là một ví dụ.
Nằm trong một khu ổ chuột ở Jakarta, ngôi trường của Almira từng chỉ có một nhà vệ sinh dành cho học sinh nữ. Nhà vệ sinh này không có hệ thống thông gió, cánh cửa bị gãy bản lề và mất khóa. Điều này khiến cô bé cảm thấy không an toàn khi đi vệ sinh ở trường.
Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, khi Almira trở lại trường học, cô bé ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi thấy nhà vệ sinh đã được cải tạo với cánh cửa chắc chắn hơn. Giờ đây, nữ sinh không còn phải đợi về nhà để đi vệ sinh.
Không chỉ tu sửa các nhà vệ sinh đã xuống cấp, trường học của Almira đã xây thêm 6 bồn rửa, tân trang lại 60 bộ bàn ghế trong lớp học.
Ông Baharudin, hiệu trưởng nhà trường, đánh giá việc tu sửa cơ sở vật chất là hoạt động ý nghĩa, thúc đẩy mục tiêu rèn luyện sức khỏe và nâng cao trải nghiệm học tập cho học sinh Indonesia. Nhờ việc cải tạo, những học sinh như Almira có thể tập trung học tập và thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh tại trường.