Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 282 trường hợp mắc bệnh TCM tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tới thời điểm này, tại TP HCM, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn tiếp tục tăng, nguy cơ bùng phát trong thời gian tới. Ngày 6/4, tại TP HCM, chia sẻ về số ca bệnh TCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, hiện có đến 40 ca bệnh TCM đang nằm viện.
Điều trị bệnh nhân nhi mắc tay chân miệng. Ảnh: Tấn Thành.
Số ca bệnh nặng có xu hướng gia tăng
“Thông thường số ca bệnh TCM tăng cao vào tháng 4, 5, 6. Nhưng bây giờ mới đầu tháng 4 mà số ca đã tăng. Đáng chú ý có nhiều bệnh nhi nặng độ 2B và có những bệnh nhi nặng độ 3. Trước đây, 30 - 40 trẻ nhập viện mới có 1 - 2 trẻ bệnh nặng. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 40 trẻ nhập viện thì có đến 7 trẻ nặng. Rất may không có ca nào phải thở máy” - BS Khanh thông tin.
BS chuyên khoa 1 Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cũng cho biết, so với thời điểm những tháng trước bệnh TCM đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân có thể do trẻ đi học lại sau một thời gian dài nghỉ học do dịch Covid-19. Mặc dù so với cùng kỳ của những năm trước số ca mắc bệnh tăng không nhiều nhưng số ca bệnh nặng thì đang có xu hướng gia tăng. Số ca bệnh nặng tăng là đáng lo ngại nhất. Hiện số ca bệnh nặng chiếm 1/4 ca mắc bệnh TCM tại khoa.
“Số ca bệnh tăng nhưng không có ca nặng thì sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, số ca nặng tăng sẽ tốn kém không chỉ về chi phí, thời gian nằm viện mà còn phải tập trung nhiều nhân lực hơn để chăm sóc cho những ca bệnh này” - BS Quy nói.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố, bệnh TCM cũng đang vào mùa cao điểm. Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, số bệnh nhi mắc TCM tăng về số lượng lẫn bệnh nhân nặng. Tháng 3 số ca bệnh tăng lên và hiện khoa đang điều trị cho 20 trẻ, trong đó có những trẻ phải thở máy, sử dụng thuốc và điều trị tích cực. Hiện tại, bệnh viện có khoảng 30 - 40 trẻ đang nằm tại Khoa Nhiễm, trong đó 2 bệnh nhi phải thở máy. Ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc hiện có 2 bệnh nhi đang thở máy, trước đó đã có bé phải lọc máu.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, đến hết tuần 11 của năm 2021, toàn thành phố có 2.564 ca TCM, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca). Riêng tuần 11 có 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước (152 ca). 21/24 quận huyện đều gia tăng ở mức báo động.
Qua phân tích số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM ghi nhận, bệnh TCM theo tuần cho thấy, bệnh bắt đầu tăng từ tuần 10, đến tuần 11 bệnh tăng rất mạnh, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Có 21/24 quận huyện trên địa bàn thành phố tăng ở mức báo động, đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Thủ Đức.
Tích cực phòng ngừa, tránh lây lan
BS Trương Hữu Khanh cho rằng, trước đây trẻ bị bệnh TCM nặng thường dưới 3 tuổi. Thế nhưng hiện nay xuất hiện tình trạng trẻ trên 3 tuổi bị nặng. Dự báo, năm nay số trẻ không có miễn dịch trong cộng đồng sẽ nhiều. Những trẻ 3 - 4 tuổi không bị thì nay lên 5 - 6 tuổi bị bệnh TCM.
Giới chuyên gia trong ngành khuyến cáo, trẻ trên 5 tuổi bị nặng phụ huynh phải để ý phát hiện những triệu chứng, phòng ngừa cho trẻ ở trường học và gia đình. Ở trường lớp mà có trẻ bị bệnh TCM thì phải tổ chức phòng ngừa ngay bằng cách dọn dẹp phòng học. Nếu không tổ chức phòng ngừa thì khả năng lây lan dịch bệnh TCM sẽ gia tăng nhiều.
“Một vấn đề hết sức quan trọng mà phụ huynh cần lưu ý đó là theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng” - BS Ngọc Thịnh, Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho hay.
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Trước tình hình dịch bệnh TCM gia tăng báo động, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh TCM hàng tuần tại quận - huyện có số ca báo động.
Các Trung tâm Y tế quận/huyện thực hiện theo các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố về điều tra xử lý, giám sát.
Quảng Nam, Quảng Ngãi: Khẩn cấp dập bệnh tay chân miệngTừ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam ghi nhận 121 ca mắc bệnh TCM. Riêng tháng 3/2021, tại BV này đã ghi nhận 100 ca bệnh. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 282 trường hợp mắc bệnh TCM tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 và gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2019 và số mắc bệnh TCM đang cao thứ 3 khu vực miền Trung. Trong khi đó, ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC Quảng Ngãi cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận hơn 200 ca mắc bệnh TCM, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 là hơn 40 ca). Các ca bệnh phân bố rải rác tại 12/13 huyện, thị xã, cao nhất tại các huyện Tư Nghĩa, Minh Long, Sơn Tịnh, Bình Sơn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với ngành giáo dục để giám sát phát hiện sớm các ca bệnh trong trường học, đặc biệt lưu ý các ca bệnh điều trị tại nhà. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các Trung tâm sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân. |