Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều kiêng kỵ trong Tết Hàn thực

30-03-2017 11:09:35

Mặc dù có nguồn gốc từ một điển tích Trung Quốc song ý nghĩa Tết Hàn thực của người Việt lại khác hẳn người Trung, thể hiện tính dân tộc sâu sắc.

Tết Hàn thực mùng 3/3 âm lịch là một trong những ngày lễ truyền thống của người Việt. Vào dịp này, các gia đình thường làm bánh trôi bánh chay để dâng lên ông bà tổ tiên và để cả nhà cùng thưởng thức nên ngày 3/3 còn được gọi là Tết bánh trôi bánh chay. Cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực cổ truyền của dân tộc.

Nguồn gốc Tết Hàn thực

Dịch theo nghĩa chữ Hán Việt, “hàn” là lạnh, “thực” là ăn, suy ra “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Nguồn gốc của Tết Hàn thực bắt nguồn từ một điển tích của người Trung Quốc.

Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực ở Việt Nam xuất có nhiều nét khác với Trung Quốc

Với người dân Trung Quốc, nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực xoay quanh tấm lòng trung trinh, không mang danh lợi của hiền sĩ Giới Tử Thôi.  Tương truyền vào đời Xuân Thu (770 – 221 TCN), đất nước chìm trong loạn lạc, Tấn vương Tấn Văn Công rơi vào cảnh sống lưu vong này Tề mai Sở. 

Bấy giờ, một hiền sĩ có tên Giới Tử Thôi đã có nhiều mưu kế để đi theo phò vua. Một hôm trên đường lánh nạn, không còn lương thực, Tử Thôi cắn răng cắt thịt đùi đem nấu dâng vua. Sau khi ăn xong, vua hỏi ra mới biết chuyện và cảm kích vô cùng. 

Suốt 19 năm ròng, Giới Tử Thôi chịu cảnh nằm gai nếm mật, chịu hết khổ nhục để giúp vua phục quốc. Khi giành lại ngôi vua, Tấn Văn Công ban thưởng hậu hĩnh cho các công thần nhưng lại quên mất Tử Thôi. Dù vậy, vị hiền sĩ này vẫn không oán hận mà đưa mẹ về núi Điền Sơn ẩn cư vì nghĩ phò vua là nghĩa vụ của phận bề tôi. 

Mãi sau này, Tấn vương mới nhớ ra và cho người đi tìm Giới Tử Thôi song bậc trung thần quyết không về lĩnh thưởng do bản tính không màng danh lợi. Muốn thúc ép Giới Tử Thôi quay về, Tấn vương ra lệnh đốt rừng.

Tết Hàn thực mùng 3/3 âm lịch là Tết ăn đồ nguội, kiêng nổi lửa nấu nướng

Nào ngờ chí đã quyết, mẹ con Tử Thôi cùng chịu chết cháy trong rừng. Tấn Văn Công thương xót nên cho lập miếu thề và cấm dân chúng đốt lửa nấu nướng trong 3 ngày từ mùng 3 – 5/3 âm lịch để tưởng niệm Giới Tử Thôi. Từ đó, dân có thói quen ăn đồ lạnh trong ngày 3/3 âm lịch và gọi là Tết Hàn thực. 

Ý nghĩa Tết Hàn thực

Người Việt cũng có tục ăn Tết 3/3 âm lịch nhưng ý nghĩa Tết Hàn thực lại mang tính dân tộc sâu sắc chứ không chỉ để tưởng nhớ Tử Thôi như người Trung Quốc. Đặc biệt, dù cũng ăn đồ lạnh là bánh trôi bánh chay nhưng người Việt không kiêng đốt lửa, các hoạt động nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.

Các món ăn trong ngày Tết Hàn thực đều được cúng gia tiên với hàm ý thể hiện tấm lòng tri ân, tưởng nhớ của con cháu. Đồng thời, ý nghĩa Tết Hàn thực với người Việt còn là dịp gia đình dòng tộc quây quần sum họp, cùng tảo mộ người đã khuất.

Kiêng kỵ trong Tết Hàn thực

Trong những ngày đầu tháng 3 âm lịch, các gia đình thường kiêng ăn mặn để không sát sinh, linh hồn người thân đã khuất sẽ dễ dàng siêu thoát. Đặc biệt trong 3 ngày từ mùng 3 – 5/3 âm lịch, nhiều người thường ăn chay.

Ý nghĩa Tết Hàn thực của người Việt là để tưởng nhớ tổ tiên, sum họp gia đình

Người Việt cũng quan niệm “trần sao âm vậy”, theo đó vong linh của những người quá cố vẫn theo sát người thân còn sống. Do đó, việc di chuyển nhà cửa trong dịp Tết Hàn thực sẽ ảnh hưởng không tốt tới vong linh người âm.

Cũng vì lý do này, nhiều gia đình cho rằng khoảng thời gian từ Tết Hàn thực đến Tết Thanh Minh liên quan đến người chết, không thích hợp chuyển nhà. Ngoài ra, xuất phát từ nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực là ngày ăn đồ lạnh, một số ít gia chủ cũng kiêng đốt lửa trong ngày 3/3 âm lịch.

 

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus //