Người phụ nữ tử vong khi trèo xuống giếng sửa đường dẫn nước sinh hoạt
Chị C. trèo xuống giếng sửa đường dẫn nước sinh hoạt. Khi xuống được khoảng 10m thì bị thiếu dưỡng khí, trượt chân rơi xuống đáy giếng tử vong.
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Sáng 8/8, thông tin từ UBND phường Chiềng Cơi (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc người phụ nữ trượt chân rơi xuống đáy giếng tử vong khi sửa đường dẫn nước sinh hoạt. Nạn nhân là chị L.T.C. (SN 1988, trú tại tổ 2, phường Chiềng Cơi).
Trước đó, vào chiều tối qua (7/8), chị C. trèo xuống dưới giếng sửa đường dẫn nước sinh hoạt nhưng không áp dụng các biện pháp bảo vệ. Khi xuống được khoảng 10m thì bị thiếu dưỡng khí, trượt chân rơi xuống đáy giếng đang có nước sâu khoảng 2m dẫn đến tử vong.
Ngay khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã liên hệ đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Sơn La cứu hộ người bị rơi xuống giếng sâu (đường kính giếng khoảng 0,8m, độ sâu 20m). Lực lượng chức năng đã điều động 2 xe cùng 15 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường, sử dụng phương tiện chuyên dụng, bố trí người xuống giếng trục vớt nạn nhân.
Nạn nhân rơi xuống giếng sâu 20m, có đường kính hẹp nên gây khó khăn trong công tác cứu nạn. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Trao đổi với báo Công an nhân dân, Trung tá Hà Như Hải - Đội trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết, giếng nơi nạn nhân gặp nạn có đường kính giếng hẹp, không đồng đều, bên trong thành giếng là đá nhọn, trơn trượt và sâu nên gây khó khăn cho công tác cứu nạn.
Đến khoảng 17h15 cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đưa được thi thể nạn nhân lên và bàn giao cho gia đình.
Ở các khu vực như giếng sâu, bể nước ngầm, thùng chứa cỡ lớn... đều là những nơi có chứa nhiều khí độc. Khí độc thường nặng hơn oxy nên chìm xuống phía dưới. Oxy tại các khu vực này có nồng độ rất thấp, khoảng 10 - 12% trong khi nồng độ CO2 lại rất cao. Hơn nữa, ở các hệ thống cống sâu, giếng khơi hay bể nước do được lắng đọng cặn cũng như nhiều chất nguy hiểm nên nguy cơ bị ngạt khí hoặc trúng các khí độc khiến người khi xuống dễ gặp tình trạng bất tỉnh, hôn mê... Việc thau rửa bể nước, thau giếng định kỳ sau một thời gian sử dụng luôn là điều nên làm, tuy nhiên người dân cũng hiểu rõ những nguy cơ/trường hợp xấu có thể gặp phải trong quá trình thau rửa. Dưới dây là một số điều người dân cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho bản thân khi thực hiện công việc này: - Mở nắp bể, nắp hầm chứa, nắp thùng chứa hay dụng cụ đậy giếng. - Đảm bảo đã ngắt hết mọi nguồn điện dưới bể. - Nên hỗ trợ máy thổi dưỡng khí (oxy) xuống giếng, bể để pha loãng khí độc và đẩy khí độc lên. Khi đảm bảo không khí trở lại bình thường bạn mới nên xuống phía dưới. - Trước khi xuống hầm kín, bể nước ngầm hay giếng, nên thả xuống bó đuốc, nến để kiểm tra. Nếu lửa tắt chứng tỏ phía dưới rất thiếu oxy và nhiều khí độc. - Nếu xuống phía dưới bể nước hoặc giếng cần có ít nhất 2 người phía trên thường xuyên liên lạc để ứng cứu kịp thời. - Trước khi xuống cũng cần chuẩn bị những phương tiện, dụng cụ bảo hộ đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. |