Người dân tại 4 tỉnh Tây Nguyên sẽ được tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu

17-07-2020 14:27:39

Kế hoạch đặt mục tiêu tiêm vaccine đạt tỷ lệ trên 90% cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Sự kiện:
bộ y tế

Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu.

Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu tiêm vaccine đạt tỷ lệ trên 90% cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng để phòng chống dịch bạch hầu chủ động, giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh bạch hầu tại các địa phương này.

Thời gian triển khai kế hoạch bắt đầu từ tháng 7/2020. Việc tổ chức tiêm chủng được triển khai theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Theo đó, tại trạm y tế tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét; tại các điểm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.

Tất cả các đối tượng triển khai từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum được tiêm vaccine có thành phần bạch hầu, cụ thể:

- Trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi (sinh từ 10/1/2019 đến 10/5/2020): tiêm 1 mũi vaccine 5 trong 1.

- Trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi (sinh từ 10/7/2016 đến 9/01/2019): tiêm 1 mũi vaccine DPT.

- Trẻ từ 49 tháng tuổi trở lên và người lớn (sinh từ 9/7/2016 trở về trước): tiêm 2 mũi vaccine Td (mũi 2 cách mũi thứ nhất 01 tháng).

- Đối tượng là quân nhân, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum: tiêm 2 mũi vaccine Td (mũi 2 cách mũi thứ nhất 1 tháng).

Sở Y tế xây dựng kế hoạch về hoạt động tiêm chủng bổ sung vaccine, bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo các TTYT huyện tổ chức thực hiện kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và thực hiện báo cáo theo quy định. Lưu ý giám sát tiêm vét sau khi kết thúc đợt tiêm chính để đạt mục tiêu đề ra.

Trung tâm Y tế cấp huyện tổ chức thực hiện kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định. Trạm Y tế cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động tiêm bổ sung vaccine theo kế hoạch và báo cáo theo quy định.

Các bệnh viện đa khoa, bệnh viện nhi, sản nhi tỉnh, thành phố, bệnh viện cấp huyện chịu trách nhiệm bố trí cán bộ phối hợp với cơ sở tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng, cấp cứu và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu Y tế Dân số giai đoạn 2016 - 2020 và một phần kinh phí phòng chống dịch năm 2020. UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Tây Nguyên ghi nhận 98 ca dương tính với bạch hầu, có 3 ca tử vong. Trong đó, Đăk Nông có 30 ca, Kon Tum có 27 ca, Gia Lai có 24 ca và Đăk Lăk có 17 ca.

 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //