Nghẹt thở chạy đua 6 tiếng cứu sống bé sơ sinh bị ngạt bằng phương pháp làm lạnh
Ngay sau khi sinh, bé có biểu hiện tổn thương não do thiếu oxy kéo dài. Toàn thân tím tái và co giật liên tục nên đã được hồi sức giúp thở. Chỉ có một phương pháp duy nhất đó là phương pháp làm lạnh. Thời gian vàng là ngay trong 6 giờ đầu tiên.
Cứu sống trẻ sơ sinh bị ngạt nhờ phương pháp làm lạnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh:BVCC
Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận một trường hợp hy hữu trong y khoa. Thai phụ N. T. T bị vỡ gan nguy kịch trong lúc chuyển dạ khi thai mới 35,5 tuần tại Bệnh viện Từ Dũ. Với sự phối hợp của các bác sĩ từ Bệnh viện Bình Dân, người mẹ đã kịp thời được phẫu thuật cứu sống.
Các bác sĩ vừa khẩn trương khâu gan vừa bắt em bé từ bụng người mẹ đã ngất đi vì mất máu.
Ngay sau sinh, bé có biểu hiện tổn thương não do thiếu oxy kéo dài. Toàn thân tím và co giật liên tục nên đã được hồi sức giúp thở.
Cũng từ đây, các bác sĩ bắt đầu chạy đua với thời gian để chữa trị. Chỉ có một phương pháp duy nhất đó là phương pháp làm lạnh, đây là phương pháp giảm chuyển hóa não giúp não tổn thương phục hồi. Thời gian vàng là ngay trong 6 giờ đầu tiên.
Sau khi nhận được điện thoại cần hỗ trợ từ bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ và điều dưỡng tại khoa Hồi sức sơ sinh - Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả trang thiết bị cũng như lên phương án điều trị cụ thể. Nhờ đó quá trình làm lạnh bắt đầu chỉ sau vài phút nhập viện, lúc bé mới 2,5 giờ tuổi, cân nặng 2,65 kg.
Quá trình hạ thân nhiệt và làm ấm trở lại được theo dõi liên tục 24/24 từ các bác sĩ và điều dưỡng. Sau gần 2 tuần, bé đã cử động linh hoạt, bú giỏi, ngủ ngoan và xuất viện trong vòng tay ba mẹ. Tuy nhiên, quá trình theo dõi đánh giá phát triển tâm thần - vận động cần được tiếp tục trong 5 năm đầu đời.
Đây là ca làm lạnh đầu tiên tại bệnh viện Nhi Đồng 2 - TP. Hồ Chí Minh.
Giây phút đoàn viên của hai mẹ con sau "cơn thập tử nhất sinh". Ảnh:BVCC
Theo các chuyên gia y tế, quá trình chuyển dạ và sinh là giai đoạn trẻ thay đổi môi trường sống từ trong tử cung ra thế giới bên ngoài, là giai đoạn nhiều nguy cơ trẻ bị tổn thương não do thiếu oxy, nguyên nhân có thể do bệnh lý của mẹ hoặc con, bất thường trước hoặc trong quá trình chuyển dạ, hỗ trợ hồi sức trẻ sau sinh… Hậu quả dẫn đến trẻ tử vong hoặc để lai di chứng não như là chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, bại não …
Với tỉ lệ 25 -75% ở nhóm ngạt mức độ trung bình đến nặng, trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trước kia vấn đề điều trị trẻ sinh ngạt không có biện pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Trẻ được hỗ trợ về hô hấp với oxy, máy thở; hỗ trợ về tim mạch bằng thuốc, an thần chống co giật, dinh dưỡng trẻ qua đường tĩnh mạch… các tổn thương thiếu oxy ở các cơ quan như tim, gan, thận có thể phục hồi, tuy nhiên tổn thương não là không thể.
Từ năm 2002 – 2005 các nghiên cứu ứng dụng hạ thân nhiệt đa trung tâm, đa quốc gia đã bắt đầu được thực hiện ở Mỹ, châu Âu va Úc… cho đến nay đã chứng minh có hiệu quả trong điều trị trẻ sinh ngạt giảm tử vong, giảm di chứng khoảng 15%.
Làm lạnh toàn thân là đưa nhiệt độ trẻ về 33 - 34 độ C trong 72 giờ liên tục giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não, giúp cải thiện tiên lượng lâu dài cho trẻ.
Tuy nhiên biện pháp này cần được áp dụng sớm cho trẻ ngay sau sinh, trước 6 giờ tuổi mới có hiệu quả và trẻ cần được điều trị tại các trung tâm sơ sinh chuyên sâu để theo dõi sát sao trong thời gian điều trị để hỗ trợ trẻ về hô hấp và tuần hoàn kịp thời.
Sau 72 giờ trẻ sẽ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường, trẻ tiếp tục được điều trị theo dõi đến xuất viện và cần tái khám mỗi 2 - 3 tháng đến 18 tháng tuối để theo dõi về phát triển tâm thần vận động kết hợp với vật lý trị liệu để có kết quả tốt.
Xem thêm Clip: Muốn trẻ khỏe mạnh từ sơ sinh bố mẹ tuyệt đối tránh 5 điều cấm kỵ này