Ngăn chặn sự gia tăng tệ nạn ma túy: Cần tổ chức tốt công tác cai nghiện

23-06-2021 09:29:30

Ngoài tích cực công tác phòng chống tệ nạn ma túy, việc tổ chức cai nghiện ma túy và đưa các đối tượng hoàn lương trở về trở thành công dân có ích cho xã hội cũng là nhiệm vụ ưu tiên và có vai trò quan trọng trong mục tiêu đẩy lùi tệ nạn này.

Nghiện ma túy không chỉ làm cho sức khỏe của bản thân người nghiện bị giảm sút, mất khả năng lao động, học tập, thần kinh người nghiện bị tổn hại, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội: Lừa đảo, trộm cắp, giết người… Tội phạm và tệ nạn ma túy thực sự đã trở thành hiểm họa lớn, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong đời sống xã hội, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần tiếp tục đấu tranh, triệt phá tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ các tỉnh khác vào địa phương. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy.

Xóa triệt để các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, “làm sạch” các địa bàn phức tạp về ma túy. Quản lý chặt chẽ số người sử dụng và người nghiện ma túy ngoài xã hội. Áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục người nghiện và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sau cai, phòng ngừa tái nghiện.

Ảnh minh họa

Tính đến cuối năm 2020, theo thống kế của Bộ Công An- Cơ quan thường trực về phòng chống ma túy của Ủy ban Quốc gia, nước ta có 235.021 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn. Điều đáng nói là thành phần người nghiện rất đa dạng và đang ở trong độ tuổi rất trẻ.

Theo báo cáo rà soát, quản lý người nghiện của Bộ Công an, tình hình nghiện ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn trong cả nước; số người người tái nghiện vẫn ở tỷ lệ cao...

Đối với những người sử dụng các chất kích thích tổng hợp (hay còn gọi là ma túy đá) nhưng chưa lệ thuộc thì sẽ chưa có các rối loạn tâm thần và rất cần thiết phải có những biện pháp can thiệp sớm để họ không chuyển sang giai đoạn sử dụng thường xuyên và lệ thuộc. Hiện nay công tác điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài.

Ảnh minh họa

Việc cai nghiện và quản lý đối tượng ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; quản lý, điều hành chỉ đạo trực tiếp của chính quyền; sự phối hợp của các lực lượng, các ngành, các tổ chức xã hội và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Các ban ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí, xây dựng ý thức chủ động phát hiện và phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội khác trong nhân dân. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền và nhân điển hình tốt về gia đình văn hóa, xã, phường trong sạch, lành mạnh không có tệ nạn ma túy.

Tiếp tục làm tốt và nhân rộng mô hình cai nghiện hiệu quả, đặc biệt là phương pháp cai nghiện thuốc phiện, heroin bằng thuốc Methadone. Xây dựng đề án thành lập nhóm đồng đẳng tham gia vận động người nghiện dạng thuốc phiện Opiats đến điều trị Methadone tại các cơ sở y tế sau khi có chủ trương của UBND tỉnh nhằm vận động người nghiện tích cực tham gia điều trị nghiện có hiệu quả.

Đầu tư xây dựng, sửa chữa, cơ sở cai nghiện đủ đáp ứng yêu cầu tự nguyện và bắt buộc cai nghiện; làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ tại cơ sở cai nghiện. Quan tâm đến công tác quản lý sau cai nghiện và phục hồi chức năng kết hợp với thực tế lao động ở xã, phường, thị trấn. 

Tổ chức ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm ngay tại địa bàn là loại hình phù hợp và hiệu quả thông qua các cơ sở xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở sản xuất, tạo nguồn kinh phí sinh hoạt để hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghiện sau khi cai nghiện trở về cộng đồng. Thực hiện tốt công tác tư vấn cho đối tượng nghiện ma túy để giúp đối tượng hiểu biết, phòng ngừa và tự điều chỉnh hành vi.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại //