Nam sinh nhiễm khuẩn huyết toàn thân, nguy kịch chỉ vì vết trầy ở khớp gối
Nam sinh đi làm phụ gia đình trên xà lan, vô tình vấp và bị té ngã, trầy xước gối chân phải. Sau đó được đưa đến viện trong tình trạng sốt cao, mắt cá phải sưng to, nói sảng...
Bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Dân trí
Ngày 28/11, Zing dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho một bệnh nhi (14 tuổi, ở An Giang) bị nhiễm trùng huyết toàn thân, nguy kịch sau khi bị té ngã.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, 10 ngày trước, bệnh nhi làm phụ gia đình trên chiếc xà lan thì vô tình vấp cọng dây và bị té ngã, trật chân phải và trầy xước gối, ngoài ra không có thêm chấn thương nào khác.
Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày bị té ngã bệnh nhi bị sốt cao nên được gia đình đưa đi khám bác sĩ tư. Tại đây, bệnh nhi được chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán chấn thương phần mềm và cho thuốc về uống.
3 ngày sau đó, tình trạng sốt của bệnh nhi không thuyên giảm, vùng mắt cá phải sưng to, đến khám bác sĩ tư được truyền dịch, hạ sốt. Đến ngày thứ 7, sức khỏe của bệnh nhi diễn biến theo chiều hướng xấu, bé than mệt, không tự ngồi dậy được nên người nhà đưa bé lên Bệnh viện tỉnh An Giang khám. Khoảng 9h cùng ngày, bệnh nhi bắt đầu nói sảng, không co giật.
Ngày thứ 8, bệnh nhi bị suy hô hấp, các bác sĩ đã đặt ống thở, thở máy, sử dụng kháng sinh, thuốc vận mạch và chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, bệnh nhi rơi vào tình trạng nguy kịch với triệu chứng sốc và nhiễm khuẩn huyết toàn thân, sưng khớp tiến triển.
Hiện tại, các bác sĩ đang cố gắng bảo tồn chức năng cơ quan cho bệnh nhi. Sau khớp gối, gan, thận và đặc biệt màng tim của bệnh nhi đang có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công. Bệnh nhi được chọc lấy dịch khớp gối để đem đi xét nghiệm. Bước đầu, bác sĩ nghi đây là khuẩn tụ cầu nhưng còn chờ kết quả xét nghiệm chính thức.
Trao đổi với VNExpress, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, các dòng vi khuẩn tụ cầu dễ dàng được tìm thấy ngoài môi trường trong đất, nước bẩn, đồng ruộng và các vùng nước tù đọng. Chúng lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp, xâm nhập có thể chỉ từ một vết thương ngoài da rất nhỏ, từ đó dễ biến chứng viêm mô tế bào, nhiễm trùng da, khớp, tim và nhiễm trùng huyết toàn thân nặng nề.
Do đó, người dân cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh Whitmore và nhiễm trùng các loại. Luôn bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…