Năm 2050 khoảng 4,3 triệu đàn ông Việt Nam nguy cơ ế vợ

03-11-2020 11:59:42

Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới về tỷ số mất cân bằng giới tính. Đến năm 2050, nếu không có biện pháp khắc phục, Việt Nam phải đối mặt viễn cảnh khoảng 2,3-4,3 triệu đàn ông không thể kết hôn vì thiếu nữ giới.

Khoảng 2,3-4,3 triệu đàn ông Việt Nam không thể kết hôn vì thiếu nữ giới. Ảnh minh họa

Ngày 3/11,  theo thông tin trên Zing, bà Hà Thị Quỳnh Anh - Chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ) về tỷ số mất cân bằng giới tính.

Bà Quỳnh Anh nhấn mạnh, nếu không có biện pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng này, đến năm 2050, Việt Nam có thể phải đối mặt viễn cảnh khoảng 2,3-4,3 triệu đàn ông không thể kết hôn vì thiếu nữ giới.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, SRB (Tỷ số giới tính khi sinh - phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra, thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống của Việt Nam) có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).

Sự gia tăng bất thường về SRB của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách. Theo đó, những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa đem lại hiệu quả; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.

Có thể thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân như sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền và việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chuẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính,…

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số nhân khẩu học, dẫn đến các hệ lụy khó lường về mặt xã hội, gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như nhiều phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn và tái hôn; tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ có nguy cơ tăng cao...

Để chấm dứt tình trạng này, các chuyên gia cho rằng truyền thông cần góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, triển khai các chương trình về bình đẳng giới cũng rất quan trọng. 

Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện chính sách về bảo trợ xã hội cho người cao tuổi cũng cần được ưu tiên, nhằm giảm áp lực cho các cặp vợ chồng phải có con trai để chăm sóc mình khi về già.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //