Mùa dịch, giáo viên nỗ lực gấp bội để học sinh vui học

06-03-2022 10:55:55

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM nỗ lực duy trì tốt việc dạy học theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Giáo viên, đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm, cực kỳ vất vả.

Sự kiện:
mùa dịch

Linh hoạt thay đổi phương pháp

Trong năm học 2021-2022, các trường TH, THCS, THPT trên địa bàn TPHCM đã có những giải pháp hợp lý trong việc tổ chức học trực tiếp và trực tuyến.

Sau khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, giáo viên đã đẩy mạnh bổ sung kiến thức cho các em kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chương trình và chất lượng theo quy định.  Đối với những học sinh học trực tuyến trong thời điểm này, các trường đã linh hoạt dạy học bằng các hình thức phù hợp.

Cô Lê Phan Phương Ngọc hướng dẫn học sinh giải bài tập.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4), khi trở lại học trực tiếp nhiều học sinh và giáo viên là F0, F1. Hiện tại nếu lớp có dưới 5 học sinh là F0, F1, giáo viên gửi phiếu hướng dẫn tự học để học sinh xem đó và làm bài. Đồng thời sau mỗi tiết dạy, học sinh trong lớp học trực tuyến sẽ chụp bài lại và gửi lên nhóm của lớp. Nếu chỗ nào không hiểu học sinh sẽ liên hệ với giáo viên trên nên tảng Zalo, Messenger sau giờ học. Từ đó giáo viên có thể giải đáp những thắc mắc kịp thời cho học sinh.

Còn đối với lớp có trên 50% học sinh nghỉ vì yếu tố dịch tễ, nhà trường sẽ chuyển lớp đó sang học trực tuyến. Riêng lớp có học sinh là F0, F1 nhưng chưa đến 50%, giáo viên vừa dạy trực tiếp đồng thời Livestream hoặc mở Google Meet để các em tham gia học.

Cô Lê Phan Phương Ngọc, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: “Tổ có 12 giáo viên, trong đó 3 giáo viên hiện đang là F0, F1. Thầy cô trong tổ đã thay nhau hỗ trợ dạy những giờ trống tiết. Việc này cũng hơi khó cho học sinh vì trong 1 tuần, các con được trải nghiệm nhiều phong cách dạy khác nhau. Nhưng ngược lại các con cũng đỡ nhàm chán, chúng tôi thường động viên học sinh như vậy”.

Cũng theo chia sẻ của cô Ngọc, một số giáo viên mặc dù nhiễm Covid-19 nhưng sức khoẻ đảm bảo vẫn sẽ dạy trực tuyến tại nhà. Lớp trưởng kết nối máy tính chiếu lên máy chiếu cho cả lớp học, nhờ giám thị và đội ngũ giáo sinh hỗ trợ học sinh tại lớp.

Trong những tuần qua, Ban giám hiệu nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện hỗ trợ đội ngũ giáo viên và học sinh sao cho các con có thể học tập tốt. Nhà trường cập nhật liên tục tình hình F0,F1 của giáo viên và học sinh mỗi ngày trên nhóm của trường để giáo viên nắm bắt kịp thời tình hình dạy học  của các lớp.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ dạy trực tiếp và trực tuyến cho học sinh cách ly sáng ngày 4/3.

“Thời điểm này, phải nói rằng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cực kỳ vất vả. Chỉ mong sao học sinh được học tốt, dịch sớm qua mau, mọi người được bình an trở về cuộc sống học tập và làm việc như trước đây”, cô Ngọc bày tỏ.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh

Tương tự tại Trường TH Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), trong 3 tuần qua cùng với việc tổ chức dạy học trực tiếp, các giáo viên vẫn duy trì tốt việc tổ chức dạy học trực tuyến đối với những học sinh là F0, F1. Với mục tiêu tăng cường hỗ trợ học sinh về mọi mặt, không để học sinh nào bị gián đoạn việc học,  buổi sáng giáo viên sẽ tổ chức dạy học trực tiếp còn chiều sẽ dạy trực tuyến.

Bên cạnh đó, các thầy cô của trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để hỗ trợ, đồng hành và quản lý việc học tập ở trường, ở nhà, cũng như việc di chuyển đi học hằng ngày của các em. Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, giáo viên luôn quan tâm theo dõi sức khỏe của học sinh, thường xuyên trò chuyện trao đổi với phụ huynh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử trí kịp thời.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Ngọc Lam, chủ nhiệm lớp 1.8 Trường TH Phạm Văn Hai, việc vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải có những phương pháp truyền đạt phù hợp.

Vất vả nhất vẫn là quá trình soạn giáo án. Bởi ngoài soạn giáo  án bản Word, giáo viên còn phải soạn giáo án trên file Powerpoint. Trong khi đó việc soạn bài trên Powerpoint dạy trực truyến tốn rất nhiều thời gian vì phải soạn nhiều trò chơi cho các em đỡ nhàm chán khi nhìn mãi trên màn hình điện thoại.

“Giáo viên dành thời gian thiết lập các mối quan hệ,  kết nối với học sinh và cha mẹ học sinh. Trong quá trình dạy học, chúng tôi chủ động chuẩn bị các hoạt động dạy học cũng như các trò chơi, video clip  khởi động vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học.

Trong quá trình dạy trực tuyến, giáo viên luôn cài chế độ hình ảnh nổi lên màn hình chính, luôn tương tác với học sinh, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình dạy học. Qua đó, tạo mối thân thiện giữa giáo viên và học sinh, hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường, tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho các em, làm mất hứng thú học tập”, cô Lam chia sẻ.

H.N
Theo Giáo dục và Thời đại //