Mua bảo hiểm vỉa hè sẽ bị 'từ chối bồi thường'
Chủ phương tiện mua bảo hiểm xe máy bán tràn lan trên vỉa hè sẽ bị mất quyền lợi yêu cầu đòi bồi thường do mua phải bảo hiểm không giá trị.
Mua bảo hiểm vỉa hè sẽ bị 'từ chối bồi thường. Ảnh PLO
Trong những ngày tổng kiểm soát phương tiện giao thông, PV Zing đã khảo sát dọc tuyến đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội, bắt gặp không dưới 3 điểm bán bảo hiểm xe máy bên lề đường.
Tiếp cận một người phụ nữ bán kính nhưng căng băng rôn bán bảo hiểm, PV ngỏ ý muốn mua bảo hiểm xe máy, người bán giới thiệu tờ bảo hiểm của Công ty Cổ phần bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).
Tờ bảo hiểm có 2 phần gồm giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện mô tô - xe máy (màu trắng) và giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc bắt trách nhiệm dân sự (màu vàng), giá cả 2 tờ bảo hiểm là 70.000 đồng. Người bán yêu cầu cho xem đăng ký xe máy, sau khoảng 2 phút, giao dịch mua bảo hiểm xe máy được hoàn thành.
Liên hệ với Công ty bảo hiểm BSH chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Văn Luận, Phó giám đốc chi nhánh, cho biết tờ bảo hiểm trên không có giá trị về cả mặt pháp lý hay để bồi thường. Mặc dù, 2 giấy chứng nhận bảo hiểm được xác nhận là hàng thật của công ty.
"Tờ bảo hiểm bắt buộc TNDS không có thông tin về biển kiểm soát, số khung, số máy. Còn phần bảo hiểm tự nguyện thì không ghi số tiền bảo hiểm mà người mua tự nguyện mua", ông Luận cho biết.
Theo giải thích của vị lãnh đạo công ty bảo hiểm, người bán tờ bảo hiểm trên hoàn toàn sai về nghiệp vụ. "Kể cả khi gặp CSGT, người điều khiển xe máy vẫn có thể bị phạt khi trình tờ bảo hiểm này", ông Luận cho hay.
Đối với người mua bảo hiểm đúng quy định và có giá trị pháp lý, Pháp luật TP.HCM đã thông tin về cách đòi quyền lợi BH theo đúng quy định của ông Nguyễn Khắc Xuân (CEO Công ty TNHH Tư vấn bảo hiểm InFair).
Ông Xuân cho biết trước hết nói về quyền lợi, BH xe máy mọi người đang mua là BH trách nhiệm dân sự chủ xe đối với bên thứ ba, BH thay chủ xe thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại do chủ xe gây tai nạn chứ không phải BH cho bản thân chủ xe và xe của người mua.
Cụ thể, mức trách nhiệm như sau: thiệt hại về người: 100 triệu đồng/người/vụ, không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm. Thiệt hại về tài sản: 50 triệu đồng/vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người cũng chỉ đền tối đa 50 triệu đồng/vụ, không hạn chế số vụ/năm.
Để được bồi thường, người mua bảo hiểm phải thực hiện theo đúng thủ tục. Theo đó, việc đầu tiên khi xảy ra tai nạn là mở ngay giấy chứng nhận bảo hiểm ra, gọi số đường dây nóng của công ty bảo hiểm ghi trên đó để được chỉ dẫn và làm theo. Nếu không mang theo thì mọi người có thể tìm trên Google.
Tiếp theo, người mua BH cần thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất và thỏa thuận đền bù với đối phương. Thông thường với TNGT thì phải có CSGT giải quyết. Căn cứ vào thông báo của CSGT để các bên xác định lỗi của mỗi bên để có thỏa thuận đền bù bằng văn bản được cơ quan CSGT ghi nhận sự thỏa thuận vào hồ sơ.
Đối với thiệt hại về tài sản: Khi thỏa thuận yêu cầu công ty BH tham gia, hướng dẫn thỏa thuận. Thông thường công ty BH sẽ duyệt giá (nếu sửa chữa) và trả tiền cho đơn vị sửa chữa. Nếu không, công ty BH sẽ cùng người mua BH và bên thứ ba “chốt” số tiền bồi thường, sau đó công ty BH sẽ hoàn lại (lưu ý công ty BH sẽ hướng dẫn người mua BH thu thập chứng từ chứng minh thiệt hại).
Đối với thiệt hại về người: Công ty BH sẽ căn cứ vào tỉ lệ thương tật (căn cứ vào kết luận ghi trên bệnh án, giấy ra viện) tính số tiền bồi thường A = 100 triệu đồng x tỉ lệ thương tật. Nếu số tiền này lớn hơn số tiền người mua BH đã bồi thường thì trả bằng số tiền đã bồi thường. Còn nếu số tiền người mua BH đã bồi thường lớn hơn số này thì BH trả đúng số A này.
Trường hợp vụ TNGT không có CSGT giải quyết, việc đầu tiên người mua BH vẫn phải gọi đường dây nóng cho công ty BH thông báo tai nạn, hoặc báo tai nạn online qua app. Yêu cầu công ty bảo hiểm hướng dẫn và cử giám định viên đến hiện trường, cẩn thận ghi âm lại làm bằng chứng.
Ông Xuân lưu ý rằng đối với thiệt hại ước tính dưới 10 triệu đồng, không bắt buộc phải có hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền. Công ty BH phải tự lập biên bản hiện trường, lấy chữ ký người làm chứng và tự xin xác nhận của chính quyền địa phương. Hãy nhớ lập biên bản đền bù dân sự và đề nghị giám định viên ký xác nhận, đồng thời xin xác nhận của chính quyền địa phương.