Một người phải nhập viện sau khi ăn rau bí mới phun thuốc trừ sâu
Sau khi ăn rau bí mới phun thuốc trừ sâu, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê môi, đau lưỡi và được gia đình đưa vào viện điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu.
Theo Báo VTV News, thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, mới đây khoa này tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu.
Bệnh nhân kể lại, trưa ngày 10/7, bệnh nhân ăn rau bí mới phun thuốc trừ sâu (cách đó 4 ngày). Sau khi ăn, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê môi, đau lưỡi và được gia đình đưa vào viện điều trị.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Sau khi được các y bác sĩ cứu chữa kịp thời, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn rau bí mới phun thuốc trừ sâu. Ảnh minh họa
Ngày nay, vấn đề thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại trong rau quả là nỗi lo của hầu hết các gia đình. Việc ăn phải thực phẩm có chứa thuốc trừ sâu là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp nhất.
Nguồn tin trên Báo Tuổi trẻ Online cho biết, khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu, nạn nhân thường có các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, chảy nhiều nước bọt, da lạnh, mạch đập chậm, con ngươi hay đồng tử của mắt co lại. Trường hợp bị ngộ độc nặng có thể bị giật các thớ cơ, co giật, bất tỉnh...
Trong trường hợp bị ngộ độc thuốc trừ sâu, cách sơ cứu là cần gây nôn nếu nạn nhân vừa mới uống nhầm hoặc ăn nhầm phải thuốc trừ sâu, thay quần áo đã bị nhiễm thuốc trừ sâu, đồng thời phải tắm rửa, gội đầu trước khi mặc quần áo khác. Ngoài ra, cần cho nạn nhân nằm nghiêng, kê đầu cao để hạn chế bị sặc chất nôn có thể trào ngược vào phổi. Không được cho nạn nhân uống sữa và tìm mọi phương tiện đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất và thuận lợi nhất.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm tốt cho sức khỏe của mọi người, chúng ta có thể sử dụng một số phương pháp đơn giản nhằm giảm bớt lượng thuốc trừ sau trên rau củ quả như: ngâm rau trong nước sạch, dùng nước muối rửa rau, làm nóng ở nhiệt độ cao, để rau dưới ánh nắng mặt trời, ngâm giấm, nghệ hoặc baking soda,…