Mẹ bỉm sữa chia sẻ hành trình 14 ngày cùng con gái chiến đấu chống virus RSV
Với chị Hoa Nguyễn hành trình 14 ngày cùng con gái chiến đấu chống 'virus lạ' RSV ở 3 bệnh viện là quãng thời gian không bao giờ quên.
Với chị Hoa Nguyễn, hành trình 14 ngày cùng con gái chiến đấu chống 'virus lạ' RSV là quãng thời gian không bao giờ quên
Những ngày qua, các phương tiện truyền thông, báo chí liên tục đưa tin về loại "virus lạ" nguy hiểm cho trẻ có tên là Virus hợp bào hô hấp (RSV). Thông này đã khiến không ít phụ huynh lo ngại.
Chị Hoa Nguyễn (29 tuổi, hiện đang sống ở Đống Đa, Hà Nội) cũng như nhiều người mẹ khác hy vọng rằng virus RSV sẽ ở đâu đó thật xa, không bao giờ ảnh hưởng đến bé Katie yêu thương của chị. Tuy nhiên, RSV đã đến không hề báo trước, đẩy hai mẹ con vào những ngày lo lắng khôn nguôi.
Theo chia sẻ của chị Hoa, ngày đầu mới bắt đầu dính virus, lúc ấy bé Katie 23 ngày tuổi chỉ hắt hơi, sổ mũi bình thường, tuy nhiên, bệnh diễn biến nhanh khủng khiếp.
"Ngày đầu tiên bé chỉ có 5-6 tiếng hắt hơi sổ mũi, ho 2-3 tiếng vào ngày thứ 2 và nhiều hơn vào ngày thứ 3, mình tưởng bé chỉ cảm cúm bình thường thôi nên gọi điện thông báo triệu chứng và hỏi bác sĩ rồi tiếp tục theo dõi".
Ngày thứ 3 Katie vẫn bú bình thường nhưng sáng sớm xuất hiện dấu hiệu khó thở. 6h sáng ngày thứ 4, bé có biểu hiện khó thở rõ rệt hơn. Ngay lập tức, chị đưa con đến Bệnh viện Hồng Ngọc vì muốn được khám nhanh và không phải đợi chờ.
Bé Katie bị nhiễm virus RSV khi được 23 ngày tuổi
Tuy nhiên, trên đường đến bệnh viện, tình trạng của bé Katie bất ngờ nặng thêm và chuyển biến nhanh nên chị cho bé vào phòng cấp cứu. Tại đây bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, bắt đầu khó thở, phải chuyển gấp qua bệnh viện gần nhất là Xanh Pôn cấp cứu.
Tại Xanh Pôn, các bác sĩ chẩn đoán bé viêm phổi và phải điều trị bằng kháng sinh. Bé Katie phải tách mẹ, 3 tiếng chị Hoa mới được gặp con và cho bú.
Ở xa con, nỗi lo của chị Hoa đã nhiều lại càng thêm chồng chất bởi chị sợ nguy cơ lây nhiễm chéo khi tất cả các bé, dù mắc nhiều loại bệnh khác nhau đều ở trong 1 phòng chật chội khoảng 40m2. Cuối cùng, hai vợ chồng chị quyết định sẽ chuyển con sang Bệnh viện Nhi trung ương để điều trị.
"Khi di chuyển sang Bệnh viện Nhi trung ương, chỉ số bão hòa oxy của bé rớt xuống còn 84 (trong khi trên 90 mới là chỉ số bình thường). Lúc này con đã bị suy hô hấp và phải thở bằng oxy. Con được chẩn đoán bị viêm phế quản, phổi và một lần nữa 2 mẹ con lại phải tách nhau để bác sĩ cấp cứu và điều trị", chị Hoa kể lại.
"Khi con được đo máy, do khóc và đói nên các chỉ số xuống quá thấp, Một bạn thực tập chạy ra gọi bác sĩ báo bệnh nhân bị sốc khiến tim mình như chết lặng. May mắn là một lúc sau bé đã về trạng thái ổn định dù vẫn phải thở bằng oxy" - chị Hoa vẫn còn rùng mình khi nhớ lại khoảnh khắc vợ chồng chị được báo tin con.
Vì mắc virus RSV bé Katie phải nằm viện 14 ngày ở 3 bệnh viện và đối mặt với nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn khác
Chiều tối cùng ngày, bác sĩ thông báo kết quả bé bị nhiễm virus RSV, chưa bị viêm phổi và không phải điều trị bằng kháng sinh bởi kháng sinh cũng không có tức dụng với virus này. Con đã được ghép mẹ.
Ngày đầu tiên nằm viện, con bú tốt dù vẫn khó thở và phải gắng sức. Ngày thứ 2 ở Bệnh viện Nhi, bé Katie bắt đầu quấy khóc, cứ đặt xuống nằm là khóc, bế lên là nín vì mũi bị ngạt nên không thể nằm được. Dù mẹ đã tích cực cho bé thở khí dung và hút mũi, rửa mũi, hút đờm ở miệng cho bé nhưng kết quả vẫn không cải thiện. Rồi con ho liên tục không ngừng. Khi hỏi bác sĩ, chị Hoa nhận được câu trả lời rằng đây là biểu hiện của bệnh và đang ở giai đoạn nặng nhất, nếu vượt qua được giai đoạn này, con sẽ ổn.
Chiều tối ngày thứ 4, chị Hoa nhận thấy con bắt đầu khó thở, vội vàng bế con đi sang phòng máy đo độ bão hòa oxy, chỉ số lúc này xuống còn 80, bé được đưa nhanh phòng cấp cứu và một lần nữa, chị Hoa lại phải ở ngoài, cách ly con. 30 phút sau đó, bác sĩ thông báo Katie đã bị viêm phổi và phải điều trị bằng kháng sinh.
Những chuỗi ngày sau đó là những tháng ngày không thể nào quên với chị Hoa bởi chị không biết làm gì. Nhìn con trong phòng chăm sóc đặc biệt mà chị như đứt từng khúc ruột, chỉ biết cầu nguyện cho con. Hàng ngày đến nghe bác sĩ thông báo tình hình của con vào lúc 10h30'-12h ở nhà khách bệnh viện mà lòng lo lắng không yên.
Qua 6 ngày ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bé đã vượt qua được giai đoạn nặng nhất của bệnh và dần hồi phục, cứ tưởng sẽ được ra viện trong vài ngày tới, ấy thế nhưng đến chiều tối ngày thứ 7, bé Katie bỗng bị sốt cao, trên 38 độ, phải hạ sốt bằng thuốc nhét hậu môn liên tục trong 2 ngày, mỗi ngày 3 lần.
Theo chị Hoa Nguyễn, diễn biến bệnh ở trẻ sơ sinh rất nhanh và nguy hiểm, nên phụ huynh không được phép chủ quan
"Mình lo nhất là con có nguy cơ nhiễm khuẩn của bệnh viện. Tất cả các loại bệnh có thể truyền nhiễm ở bệnh viện còn nặng hơn rất nhiều so với virus RSV mà mới đầu con mắc phải. Nhất là khi bác sĩ đưa con đi lấy máu làm xét nghiệm và cấy máu tìm nguyên nhân bệnh, mình lại thấy tim đập chân run" - chị Hoa chia sẻ.
May mắn thay khi ở lần xét nghiệm vào hôm sau, các chỉ số đã bình thường "kết quả xét nghiệm nhiễm trùng của con đều âm tính. Bác sĩ kết luận rằng con chỉ bị nhiễm virus bình thường".
Vậy là sau 14 ngày chữa trị, chuyển qua 3 bệnh viện và đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, chị Hoa và bé Katie cũng đã được xuất viện, hẹn tái khám sau 2 tuần.
Chia sẻ lại hành trình cùng con chiến đấu với RSV, chị Hoa nhắn gửi đến các mẹ bỉm sữa không bao giờ được chủ quan.
"Các mẹ nhớ rằng diễn biến bệnh ở trẻ sơ sinh rất nhanh và nguy hiểm. Mình vẫn không thể tin được là chỉ qua 1 ngày, Katie đã bị viêm phổi. Vì vậy, các mẹ đừng bao giờ chủ quan, hãy mang con đi khám khi có triệu chứng bất thường. Ngoài ra, các mẹ cũng hãy tìm hiểu về virus RSV, cách phòng tránh và bảo vệ con".
Virus RSV ở trẻ nhỏ nguy hiểm thế nào?
Virus hợp bào hô hấp RSV (Respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp (như viêm tiểu phế quản) thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Virus RSV thường phát triển lây lan mạnh vào cuối thu sang đông. Tuy nhiên, năm nay dịch bùng phát sớm hơn và là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, mỗi ngày, chỉ riêng Khoa hô hấp - BV Nhi TW đã tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng, tập trung vào nhóm trẻ dưới sáu tháng tuổi. “Nguyên nhân có thể do sự biến đổi thời tiết và biến đổi cấu trúc gen của RSV”, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.
Triệu chứng khi bé mắc RSV không rõ ràng và giống với cúm thông thường khác (chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém) nên dễ dẫn đến nhầm lẫn. Cha mẹ nóng vội đưa con đi khám dùng thuốc không đúng có thể làm suy giảm miễn dịch, dẫn đến nguy cơ biến chứng nặng.
Khi mắc RSV, một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công.
Mặt khác, RSV có áp lực với đường hô hấp nên trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa). Nặng hơn là dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.
Virus RSV lây truyền dễ dàng từ người sang người qua tiếp xúc chạm phải chất dịch hoặc hít phải không khí có nhiễm virus… Virus có thể sống vài giờ trên các bề mặt bàn, ghế, đồ chơi, tay…
Theo TS BS Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi trẻ đã bị nhiễm bệnh do virus RSV, biện pháp điều trị chủ yếu là giảm nhẹ các triệu chứng. Lưu ý không sử dụng kháng sinh vì kháng sinh không hề có tác dụng gì đối với virus.
Phòng tránh sự lây lan của virus RSV thế nào?
- Để phòng ngừa nhiễm virus RSV, các bác sĩ cho biết phụ huynh cần tránh để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hay sử dụng dung dịch tiệt khuẩn có chứa cồn trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.
- Che miệng khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy và vứt vào thùng rác kín sau khi sử dụng.
- Tránh hôn hay tiếp xúc gần với trẻ khi bạn không được khỏe, đặc biệt là khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi hay sốt.
- Làm sạch các bề mặt mà mọi thành viên thường tiếp xúc trong nhà, tiến hành thường xuyên hơn trong mùa dịch.
Xem thêm chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 x
u