Mẹ bỉm sữa 9X thoát khỏi trầm cảm nhờ biệt tài làm bánh Nhật Bản
Nhung Bùi (SN 1991, TP.HCM) từng bị trầm cảm sau sinh rất nặng. Tuy nhiên, nhờ biệt tài làm bánh Nhật Bản, cô đã biết cách dung dưỡng hạnh phúc và đưa cuộc đời của mình sang một trang mới.
Những chiếc bánh Namagashi xinh xắn đáng yêu. Ảnh NVCC
Những chiếc bánh làm thay đổi cuộc đời
Ngày dạy học viên làm bánh, tối chăm con, thậm chí mùa cao điểm thức đêm làm bánh trả khách, trả lời tin nhắn của học viên, rồi còn chăm chút cho group bánh trái trên Facebook rất rôm rả… Không hiểu Nhung Bùi lấy đâu ra năng lượng mà làm nhiều việc đến thế? Chắc phải có ba đầu sáu tay?
Nhiều người đã thắc mắc vậy khi chứng kiến Nhung làm việc. Còn cô nàng chỉ cười lí lắc “Vì em trót mê, đã mê rồi thì không thấy mệt!”.
Ngày bé, Nhung từng xem bộ phim về cô thợ làm bánh Asuka của Nhật Bản. Dòng bánh Namagashi nghệ thuật mô phỏng hình dáng các loài hoa cỏ đặc trưng bốn mùa như hoa đào, lá phong, hoa mơ… đã cuốn hút Nhung khủng khiếp.
Năm thứ hai Đại học, khi Nhung đi học tiếng Nhật đã được thầy giáo Hasu tặng cho một hộp bánh Namagashi. Sau đó, Nhung xin thầy chỉ cách làm bánh để cho ra lò những chiếc bánh làm từ tinh bột đậu trắng ngọt dịu, thanh thanh, tan ngay trên đầu lưỡi.
Công đoạn “hại não” nhất nhưng cũng khiến người làm bánh trải nghiệm đủ thứ cung bậc cảm xúc từ hồi hộp, run run cho đến khi hạnh phúc vỡ òa chính là tạo hình bánh Namagashi. Mỗi chiếc bánh là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, có đường nét, màu sắc hài hòa như một bức hội họa.
Ra trường, Nhung làm ra cả trăm hộp bánh chỉ để… đem cho người khác. Nhung chưa nghĩ đến bán chác vì lúc đó, công việc quản lý tại một thẩm mỹ viện lớn tại Bình Dương đem lại thu nhập tới 40 triệu/tháng.
Chị Nhung Bùi bên những sản phẩm của mình. Ảnh NVCC
Tình yêu bánh trái chỉ dừng lại ở đó, cho đến khi Nhung sinh bé Dota, con trai đầu lòng. Nhung bị trầm cảm sau sinh rất nặng vì gia đình gặp khó khăn kinh tế. Nhớ lại thời điểm đó, chồng Nhung vẫn không khỏi rùng mình vì cứ hở ra là vợ cáu bẳn, thậm chí cô khiến anh không dám về nhà vì quá sợ hãi.
Khi bé Dota được 5 tháng tuổi, những lúc buồn Nhung lại vùi đầu vào làm bánh Namagahsi. Chỉ có thể làm bánh vào những lúc con ngủ, ấy vậy mà tình yêu bánh trái được nhen nhóm, thổi bùng trở lại.
Và điều kỳ diệu là bánh trái đã cứu Nhung ra khỏi vũng bùn lầy trầm cảm sau sinh. Nhìn căn bếp toàn hoa trái, vị dẻo thơm, thanh mát của những tấm bánh làm từ tinh bột đậu trắng khiến tâm hồn bà mẹ sau sinh dịu lại.
Anh xã ban ngày đi làm, tối còn hì hụi giúp vợ vắt bột. Nhung tìm thấy một niềm đam mê mới trong đời mình, đó là làm bánh. Gác lại tấm bằng Đại học, cô quyết định nghỉ việc và bắt đầu học làm bánh chuẩn Nhật một cách bài bản.
Nhung Bùi và con trai Dota. Ảnh NVCC
Ước mơ nhân rộng tinh thần Namagashi tới các mẹ bỉm sữa
Nhờ mạng xã hội Facebook, mùa trung thu năm 2017, Nhung đã bán được cả ngàn hộp bánh Namagashi. Điều khiến Nhung bất ngờ hơn nữa là rất nhiều mẹ bỉm sữa đã đề nghị Nhung mở lớp dạy làm bánh Namagashi và Mochi tại gia.
Ban đầu, Nhung rất băn khoăn về lời đề nghị này. Bởi nhiều người “giấu nghề”, nhất là với dòng bánh độc đáo này. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ thấu đáo, Nhung đã mở lớp dạy làm bánh. Bởi cô cho rằng “Mình dạy Namagashi là dạy cái đẹp, nhân rộng tinh thần Namagashi thì sao nỡ bo bo giữ cho riêng mình”.
Khóa học làm bánh đầu tiên khai giảng ngay tại nhà Nhung với 6 học viên đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi khóa học, học viên được hướng dẫn tận mười mấy mẫu bánh Namagashi. Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều chị em tại Hà Nội ngỏ ý muốn Nhung ra dạy làm bánh.
Những chiếc bánh đẹp đến say đắm lòng người. Ảnh NVCC
“Nhung khá do dự vì lúc đó, con trai mới được 14 tháng tuổi, vẫn đang bú mẹ và chưa bao giờ xa mẹ quá nửa ngày. Tuy nhiên, bằng sự thấu hiểu, yêu thương, anh xã đã động viên tôi tiến thêm một bậc trong hành trình đam mê bánh trái của mình.
Anh ủng hộ, chia sẻ với tôi từ việc rửa bát, quét nhà, trông con. Khi tôi nói về mối băn khoăn ra Hà Nội dạy học, anh đã ủng hộ ngay. Có lần anh xã còn xin nghỉ phép ra Hà Nội hỗ trợ vợ chuẩn bị lớp học”, Nhung bộc bạch.
Để tiết kiệm thời gian, mỗi tháng Nhung bay ra Hà Nội một lần. Chiều thứ 6 Nhung bay ra, đêm chủ nhật bay về để không phải xa con quá lâu. Từ một lớp học nhỏ xinh, đến nay Nhung đã có cả ngàn học viên theo học.
Có người từ Mỹ, Pháp nhân dịp về Việt Nam chơi cũng đến lớp học. Ai cũng gọi Nhung bằng “cô giáo”. Kỷ niệm với lớp học nhiều vô vàn. Có lần vừa làm bánh vừa “tám” chuyện, cả cô và trò cười quá, lỡ tay làm “rớt cái bụp” chiếc bánh xinh yêu xuống đất. “Cảm giác lúc đó bao nhiêu tóc trên đầu dựng lên cả lên vì tiếc”, Nhung hóm hỉnh kể.
Con đường bánh trái của Nhung rẽ sang một lối khác mà trước đó Nhung chưa bao giờ ngờ tới, đó là vừa làm bánh vừa dạy học.
Điều khiến cô nàng hạnh phúc là học viên đi học về, tự làm bánh “trả bài đẹp hơn cả cô giáo dạy”. Có học viên còn “kéo” chồng vào công cuộc làm bánh. Có chị nói rằng “từ ngày học làm bánh, chị không còn phải nghĩ quà tặng mỗi dịp lễ Tết nữa, vì đã có Namagashi độc đáo không đỡ nổi”. Có những ngày, học viên thi nhau khoe bánh trả bài. Các group bánh không ngày nào là không rộn ràng cả.
Đến thời điểm này, gần một năm nỗ lực gắn bó với con đường dạy học làm bánh Namagashi, Nhung đã có thêm một bước tiến nữa, đó là mở lớp dạy làm bánh trung thu ngũ cốc với các đường nét, bố cục hiện đại nhưng vô cùng thơm ngon, quyến rũ.
Nhung thầm cảm ơn những chiếc bánh và cộng đồng học viên vui vẻ, dễ thương đã làm thay đổi cuộc đời cô. Không còn lo âu, muộn phiền sau một loạt biến cố gia đình. Sau tất cả, niềm hạnh phúc, sự tự do của gia đình nhỏ đã được dung dưỡng.