Mách bạn bí quyết ăn uống để không 'mất' Tết vì đau dạ dày

05-02-2019 13:13:22

Những ngày Tết ăn uống thất thường, sử dụng nhiều chất kích thích là nguyên nhân gây đau dạ dày. Dưới đây là những bí quyết ăn uống để không 'mất' Tết vì đau dạ dày.


Những ngày Tết ăn uống thất thường, sử dụng nhiều chất kích thích là nguyên nhân gây đau dạ dày

Mất Tết vì đau dạ dày

Tết đến, mang theo niềm vui đoàn tụ, nhưng cũng là nguyên nhân khởi phát nhiều bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh đau dạ dày. Nguyên nhân của hiện tượng này là do bữa ăn ngày Tết thường không theo giờ giấc thậm chí có những ngày liên hoan, bia rượu triền miên từ sáng đến tối muộn. 

Anh Nguyễn Dương (45 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Dịp tết liên hoan, tổng kết liên miên. Tiếc Tất niên nối tiếp tiệc Tân niên khiến người mình lúc nào cũng mệt lử. Dù đã cố gắng hạn chế rượu bia hết mức có thể nhưng mình cũng chỉ trụ được những ngày trước Tết. Đến mùng 1 Tết là mình nằm nhà ôm bụng vì bệnh đau dạ dày tái phát.”

Trong khi đó, chị Diệp Anh (30 tuổi, Hà Nội) dù không phải sử dụng rượu bia nhưng do công việc bận rộn, ăn uống thất thường ngày cuối năm nên thường xuyên phải mệt mỏi vì những cơn đau dạ dày. 

"Tết năm ngoái mình đã phải nhập viện để nội soi dạ dày gấp vì đau không chịu được. Bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày nặng phải sử dụng kháng viêm và giảm đau" - chị Diệp anh chia sẻ.

Tết ăn uống như thế nào để không bị đau dạ dày

Theo PGS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ khuyên rằng: "Ngày Tết mọi người cũng cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, đúng giờ và thành bữa để dạ dày có lúc nghỉ ngơi, hạn chế các thức ăn chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, hành muối.

Ngoài ra, bạn không nên uống rượu bia, sử dụng chất kích thích quá nhiều. Trong trường hợp phải uống rượu bia thì nên bổ sung lượng thực phẩm gấp ba lần lượng bia rượu để giúp phân giải lượng cồn giảm tác động trực tiếp của rượu bia đến dạ dày và gan.

Với những người có tiền sử bệnh dạ dày việc ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia càng cần phải lưu ý.

Ợ chua, ợ nóng, đầy hơi, đau tức thượng vị là những triệu chứng cảnh báo bệnh lý đường tiêu hóa đặc biệt là dạ dày. Vì vậy, khi có những dấu hiệu đau dạ dày, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt tránh để bệnh tiến triển nặng gây khó khăn trong điều trị và dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ Ninh lưu ý: “Bệnh bệnh dạ dày rất dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính thậm chí biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị, kiêng khem. Vì vậy, những người có tiền sử mắc bệnh dạ dày cần thăm khám tiêu hóa định kỳ thường xuyên để được bác sĩ chẩn đoán tư vấn cách điều trị.

PGS Ninh cho biết, bộ máy tiêu hóa tốt khi ăn vào thấy dễ chịu thoải mái. Mọi người có thể ăn ba bữa chính có thể ăn thêm bữa phụ. Bữa sáng ăn ngang bữa trưa và bữa tối ăn ít đi. Nếu ăn nhiều dạ dày chứa nhiều sẽ bị căng bụng thì nguy cơ rối loạn tiêu hóa tăng lên.

Tết không nên ăn nhiều quá và ăn món ăn dễ tiêu, nếu món nhiều chất đạm, béo thì phải tiêu hóa lâu. Bữa ăn nhẹ nhàng ít chất béo như gạo, rau thì sẽ giúp tiêu hóa nhanh. Những món ăn đường nhiều như bánh kẹo, món lạnh để tủ lạnh cũng làm cho khó tiêu hóa. 

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //