Mách bạn "bí kíp dắt lưng" về xử trí cấp cứu khi bị bỏng
Hầu như ai trong chúng ta cũng có lúc bị bỏng nhưng thường là nhẹ với tình huống thường gặp như: mỡ nóng, nước sôi rớt vào tay, bất cẩn nên hất đổ chút canh nóng vào người...
Tuy nhiên, có những lúc chúng ta trở thành nạn nhân hoặc phải chứng kiến những tai nạn bỏng nặng nề hơn. Nếu được trang bị những kiến thức xử lý tai nạn bỏng, ta sẽ biết cách và có phản xạ giảm thiểu tổn thương do bỏng cho chính mình và những người xung quanh. Là chuyên gia về bỏng, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sẽ mách nước bạn đọc những nguyên tắc, cách xử trí đúng cách khi gặp tai nạn bỏng.
1. Bình tĩnh
Khi gặp tai nạn bỏng, đầu tiên phải hết sức bình tĩnh vì để tránh mắc sai lầm trong sơ cứu nạn nhân. Bác sĩ Thống nhấn mạnh phải giữ bình tĩnh vì bỏng là một sang chấn bất ngờ, dễ khiến người ta rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc đôi khi như bị thôi miên, khiến con người ta hoang mang không biết làm gì.
Thực tế, có những người bà, người mẹ nhìn thấy đứa trẻ đẹp như tranh bỗng dưng bị nước dội vào mặt; họ ngay lập tức nghĩ đến hậu quả sẹo, di chứng... nên sinh hoảng loạn, chỉ biết ôm con trẻ khóc mà không xử trí ngay.
Khi gặp tai nạn bỏng, điều quan trọng đầu tiên là cần bình tĩnh để có bước xử trí đúng đắn. Ảnh minh họa
Có những cô gái đẹp đang nướng mực bị bỏng khiến họ như mất một cái gì đó lớn nên hoảng loạn. Thậm chí có người đang ở tầng 9, tầng 10 của tòa nhà, khi bị bỏng chỉ muốn nhảy ra khỏi cửa sổ để thoát. thân. Theo bác sĩ Thống, những trường hợp như vậy có thể dẫn tới tai nạn chết người. Ví dụ như vậy để thấy, bình tĩnh là yếu tố đầu tiên và rất quan trọng trong khi xử trí vết bỏng.
2. Ra khỏi nguồn bỏng
Việc cần làm sau một giây bình bĩnh khi có tai nạn bỏng là phải ra được khỏi nguồn bỏng.
Nếu bỏng điện, phải ngắt cầu dao (nguồn điện) hoặc có dây điện dính vào người thì phải lấy vật cách điện như que, gậy khô tách khỏi người. Không được sờ trực tiếp vào da thịt người đang bị bỏng điện khi chưa ngắt được nguồn điện. Nếu bỏng điện dẫn đến ngừng tim, ngừng hô hấp, phải hô hấp nhân tạo cho nạn nhân ngay tại chỗ.
Nếu tình huống trong một đám cháy, phải cứu nạn nhân ra khỏi nơi đang cháy hoặc hỗ trợ họ dập tắt lửa. Nếu họ đang cháy áo, mình có thể dùng chăn kín bọc lại. Người đang cháy lưng, chỉ cần nằm trên sàn nhà là tắt lửa, hoặc nhìn thấy người đang cháy lưng, chỉ cần nằm đè lên người đó là lửa tắt. Người đang cháy lưng mà lại chạy sẽ càng khiến lửa bùng lớn hơn.
3. Làm lạnh vùng bỏng
Sau khi dập được lửa, phải nhanh chóng làm lạnh vùng bỏng bằng nước lạnh. Lý tưởng nhất là nước khoảng 18-20 độ C (đừng cho đá lạnh vào nước vì đá lạnh làm co mạch). Nếu có nước đun sôi để nguội thì tốt, không thì chỉ cần nước sạch như nước máy, nước giếng là được.
Ngâm rửa vùng bỏng vào nước lã sẽ giúp giảm tổn thương. Ảnh minh họa
Có thể ngâm vùng bỏng vào nước, hoặc dùng nước tưới, rửa vùng bỏng. Việc ngâm, tưới, rửa này có thể kéo dài từ 15-20 phút, thậm chí tới 45 phút cho tới khi vết bỏng đỡ đau rát, đỡ tổn thương, đồng thời cũng cải thiện được tuần hoàn máu.
Trường hợp bỏng hóa chất, ngâm, tưới, rửa sẽ làm loãng hóa chất gây bỏng. Nói chung, trừ trường hợp đặc biệt, còn 99% là dùng nước lạnh để cấp cứu vết thương.
4. Cởi bỏ bớt đồ
Đồng thời với làm lạnh, quần áo và đồ đạc trên người nạn nhân cũng có thể bỏ ra. Nhưng nếu quần áo dính vào vết bỏng thì không nên lột. Nếu quần áo dính vào người, cắt bỏ quần áo được thì tốt, không cắt được thì ngâm cả quần áo cũng không sao.
Thắt lưng quần - nếu có - cũng phải bỏ ra. Có những người dùng thắt lưng mà cục sắt to bằng nắm tay, khi bị bỏng, cục sắt đó nóng đỏ càng khiến vết thương thêm trầm trọng. Vì vậy, khi cấp cứu, phải bỏ ngay thắt lưng ra. Chú ý: Trong mọi việc như cắt, cởi bỏ đồ đạc này phải cẩn thận, không được làm xước da nạn nhân.
5. Bọc vết thương và chuyển nạn nhân đến cơ quan y tế
Sau các bước cấp cứu tại chỗ như trên, cần bọc tổn thương bằng vải sạch rồi chuyển người gặp nạn đến cơ quan y tế gần nhất. Tại cơ quan y tế, bác sĩ mới có đủ điều kiện và trang thiết bị để cấp cứu, điều trị tiếp.
Lưu ý: Trong thời gian chưa kịp đến cơ sở y tế, không được bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng, kể cả đó là những thuốc chữa bỏng được phép lưu hành vì lúc đó chưa cần thiết. Nếu bôi lung tung, khi đến cơ quan y tế sẽ khó chẩn đoán tổn thương lúc đầu. Đó là chưa kể bôi thuốc đúng thì không sao, nếu bôi không đúng thì sau đó không làm sạch được.
Bình thường, không ai nghĩ đến tình huống mình bị bỏng. Nhưng nếu lỡ bị bỏng hoặc chứng kiến người gặp tai nạn bỏng, chỉ cần cấp cứu bằng nước lạnh là đảm bảo. Trên thế giới, khi bị bỏng người ta cũng cấp cứu như vậy.
Kinh nghiệm xương máu của mẹ Việt khi cứu con bị bỏng phích nước