Lương y chỉ bài thuốc chữa chứng phong thấp từ cây gối hạc
Cây gối hạc được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian, trong đó nổi bật với công dụng chữa chứng phong thấp.
Cây gối hạc.
Cây gối hạc là một cây thuốc nam xuất hiện ở rất nhiều các địa phương khác nhau trên nước ta. Cây được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian điều trị rất nhiều các bệnh lý khác nhau. Trong đó, nổi bật là các bài thuốc sử dụng cây gối hạc chữa chứng phong thấp.
Gối hạc còn gọi đơn gối hạc, củ rối. Gối hạc loại cây quý không chỉ được trồng làm cảnh còn là vị thuốc quý chữa đau khớp.
Gối hạc có tên khoa học: Leea rubra Blunne, thuộc họ gối hạc – Leeaceae. Gối hạc cây cao khoảng 1-2m, có khi hơn. Thân có rãnh dọc và phình lên ở các mấu. Rễ có vỏ ngoài màu hồng, lõi có màu hồng, trắng hay vàng. Lá kép lông chim 3 lần, các lá phía trên kép lông chim 2 lần, mọc so le; các lá chét khía răng to. Hoa nhỏ, màu hồng đỏ, mọc thành ngù ở ngọn cành. Quả chín có màu đen. Mùa hoa quả tháng 5-10 . Người ta thu hái rễ vào mùa hè thu. Ðào về, rửa sạch, thái lát, phơi hay sấy khô.
Lương y Phan Thị Thạnh, Hội Đông y TP Vũng Tàu cho hay, theo Y học Cổ truyền, rễ cây gối hạc có vị đắng ngọt, tính mát vào kinh tâm tỳ, can. Chủ trị các chứng bệnh: tiêu sưng, thông huyết. Do có tác dụng này như vị xích thược nên người ta gọi là Nam xích thược. Gối hạc thường được sử dụng dùng chữa sưng tấy, đơn bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối và chữa đau bụng, rong kinh.
Ngoài ra, rễ gối hạc sắc uống cho khoẻ người, ăn uống ngon miệng, đỡ đau mình mẩy. Hạt thường được dùng trị giun đũa, giun kim và sán xơ mít. Liều dùng 15-20g rễ, dùng riêng sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
Phong thấp là căn bệnh gây sưng đỏ, đau nhức các khớp xương, cơ bắp và một số bộ phận khác của cơ thể. Đặc biệt, nếu không được chữa trị sớm thì bệnh sẽ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống, hệ thần kinh, tim mạch,…
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định cụ thể nguyên nhân gây chứng bệnh phong thấp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy miễn dịch, môi trường, di truyền, viêm nhiễm là những tác nhân phổ biến gây bệnh.
Để chữa sưng tấy, đau bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối hãy áp dụng đơn thuốc sau đây: Rễ gối hạc 40-50g sắc uống. Hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: Rễ gối hạc 30g, cỏ xước hay ngưu tất, rễ gấc, tỳ giải, mỗi vị 15g, cũng sắc uống.
Đồng thời, người bị phong thấp cần lưu ý chế độ ăn uống trong quá trình chữa bệnh, đặc biệt là những thực phẩm cần phải kiêng ăn. Cụ thể, người bệnh cần kiêng các chất kích thích và rượu, bia; gia vị, đồ ăn cay nóng; thực phẩm giàu đạm, acid oxalic và nhiều dầu mỡ; Kiêng ăn thịt đỏ, nội tạng, muối, đường, rượu bia; Kiêng ăn những thực phẩm từ bơ sữa, bắp hoặc gạo nếp; Kiêng ăn những đồ nướng, chiên xào, đồ ăn nhanh.