Lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi có dấu hiệu như thế nào?

13-09-2018 15:50:26

Hiện nay, số lượng lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi ở một số quốc gia đang tăng lên nhanh chóng, có nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam. Vậy làm thế nào để biết lợn có bị nhiễm bệnh dịch này hay không?


Lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam

Thủ tướng chỉ đạo ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.

Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 9/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu phi (DTLCP) từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa vi rút bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam.

Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng, chống, ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp như sau:

Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp, các Sở, ngành liên quan: Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam.

Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15/9-15/10/2018.

Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;…); cần tập trung đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh DTLCP và các địa phương có nhiều khách du lịch.

Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút DTLCP.

Dấu hiệu nhận biết lợn bị nhiễm DTLCP


Những con lợn da bị ửng đỏ và xuất huyết dưới da

Lợn nuôi bị nhiễm DTLCP sẽ ủ bệnh ít nhất trong vòng 24 giờ, trước khi các dấu hiệu lâm sàng  xuất hiện. 

Virus DTLCP được tiết ra từ nước bọt, nước mắt, tiết dịch mũi, nước tiểu, phân và chất tiết từ đường sinh dục. Máu của lợn nhiễm bệnh chứa một lượng lớn virus.

Chỉ cần những con lợn đứng cùng nhau với khoảng cách gần cũng bị lây bệnh, nhất là việc ăn, uống, hay nằm cạnh nhau. Những nguyên nhân lây truyền bệnh còn có thể do môi trường bên ngoài như đi cùng phương tiện vận chuyển, bị kí sinh trùng cắn... từ lợn đã nhiễm bệnh trước đó.

Virus DTLCP có thể sống khá lâu trong môi trường giàu protein (thịt, máu, phân, tủy xương), thậm chí cả khi bị đông lạnh hay trong sản phẩm lợn đã qua chế biến. 

Các dấu hiệu lâm sàng thưởng xuất hiện khoảng 5 - 15 ngày sau khi lợn bị nhiễm virus DTLCP. Điều đầu tiên và dễ dàng nhận thấy nhất là lợn bị sốt cao (41 - 42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).

Thỉnh thoảng lợn bệnh sẽ có dịch chảy ra từ mắt hoặc mũi. Lợn thường xuyên khó thở, chảy dãi lẫn máu, chảy máu mũi; kêu đau liên tục, nôn mửa. Một số con bị táo bón hoặc tiêu chảy ra máu. Đa số lợn nái trong thời gian mang bầu sẽ sảy thai.

Những con lợn da bị ửng đỏ có thể chuyển sang màu xanh tím khi bệnh nặng, đồng thời xuất huyết dưới da. Lợn có thể rơi vào hôn mê do sốc xuất huyết hoặc tràn dịch phổi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng của DTLCP. 

Trong trường hợp lợn sống sót qua vài ngày, chúng có thể phát thêm các dấu hiệu bệnh thần kinh.

Dấu hiệu lợn chết do nhiễm bệnh DTLCP


Lá lách phình to. Hạch bạch huyết to, chứa máu nên có thể trông giống cục máu đông.

Những con lợn chết trong thời gian đầu thường trông khỏe mạnh không khác gì lợn thường. Nhưng vẫn có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực. Có thể có máu chảy ra từ mũi và miệng, mủ chảy ra từ mắt, và phân lẫn máu. 

Khi mổ lợn ra, sẽ thấy các dấu hiệu sau:

Dịch ở khoang ngực và ổ bụng nhiều, có thể dính lẫn máu. Xuất huyết toàn bộ nội tạng và bề mặt cơ thể. Máu tràn ra từ nội tạng và xác lợn.

Phổi không xẹp xuống sau khi ngực bị mổ ra. Phổi nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt. 

Khí quản thường chứa đầy bọt, và có thể dính máu.

Thận bị xuất huyết. Bên trong niêm mạc dạ dày cũng có máu và đôi khi bị loét.  Ruột cũng bị tắc và có thể chứa máu.


Xem thêm: Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lan rộng ở Châu Á

Kim Hảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN //