Lối đi nào cho phim cổ trang Việt?
Sau 10 ngày ra rạp với những suất chiếu rời rạc, ít ỏi, bộ phim cổ trang 'Huyền sử vua Đinh' đã rút khỏi phòng vé.
Doanh thu “Huyền sử vua Đinh” hơn 40 triệu đồng – mức doanh thu có lẽ là thấp nhất trong các phim Việt ra rạp gần đây.
Tuy nhiên, đây là con số không bất ngờ với khán giả. Bởi lẽ thời gian qua họ đã quá quen với câu chuyện thất bại phòng vé của điện ảnh trong nước. Họ cũng chính là người dự báo doanh thu cho “Huyền sử vua Đinh”, ngay khi đang nhặt sạn từ trailer phim.
Phía nhà sản xuất và đạo diễn cũng không bất ngờ. Song dường như họ vẫn dừng lại ở mức độ đổ lỗi. Đổ lỗi cho kinh phí đầu tư ít ỏi, đổ lỗi cho thể loại phim cổ trang vốn khó làm và kén người xem, đổ lỗi cho khung giờ chiếu không đẹp…
Tất cả những điều ấy không sai. Nhưng đã quá quen thuộc, bởi hầu như phim nào có doanh thu rạp chiếu thấp, nhà sản xuất hay đạo diễn đều giải thích như vậy, và né tránh nhìn thẳng vào, mổ xẻ phân tích nguyên nhân chính khiến cho phim thất bại.
Đúng là Việt Nam chưa có dòng phim cổ trang. Số lượng phim truyện lấy bối cảnh xưa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số thành công thì càng ít ỏi. Thiếu phim trường, thiếu kinh phí, thiếu kịch bản, thiếu kinh nghiệm… Và có lẽ, cái thiếu nhất là tài năng - những tài năng lớn của điện ảnh.
Khi chưa hội tụ các điều kiện cần và đủ, có nhất thiết phải cố công tạo ra một sản phẩm dở, trong lúc thị trường đã có quá nhiều sản phẩm dở? Khi một bộ phim mới chỉ dừng lại ở bài thi tốt nghiệp, chợt vội vàng quyết định đưa ra rạp - liệu đấy có phải tư duy của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp?
Dân ta phải biết sử ta. Lập luận đó không sai. Nhưng điện ảnh, truyền hình không phải là phương tiện duy nhất để chuyên chở lịch sử. Khi chưa được đầu tư đúng nghĩa, lợi chưa thấy đâu mà hại có khi lại quá rõ ràng.
“Huyền sử vua Đinh” là giọt nước làm tràn ly, xới lại những vấn đề vốn đã tồn tại quá lâu của điện ảnh nước nhà. Khi chúng ta chưa có nền công nghiệp điện ảnh, động vào đâu cũng dễ nhận ra những khó khăn yếu kém, thì chọn một lối đi riêng phù hợp với điều kiện hiện tại để phát triển là một sách lược cần bàn luận rõ ràng.
Liệu cơm gắp mắm. Kinh nghiệm từ những nền điện ảnh mới nổi cho thấy, đâu phải cứ chạy theo bom tấn, đâu phải cứ nhiều tiền mới có phim hay. Một bộ phim bé nhỏ nhưng là một tác phẩm nghệ thuật đích thực vẫn có giá trị gấp nhiều lần một sản phẩm được đầu tư hoành tráng mà rỗng tuếch.
Và dù cuộc sống có thay đổi cỡ nào, công nghệ làm phim có phát triển ra sao, thì những tài năng lớn vẫn là nhân tố quyết định sự thành công của một nền điện ảnh.