Lo lắng vì bỗng nhiên bị u gan, ai ngờ mắc loại bệnh 'khó nói' từ món ăn triệu người Việt ưa thích
Thấy đau thắt lưng trái và hạ sườn phải âm ỉ, ông H ở Hà Nội đi khám, rất lo lắng khi nhận kết quả u gan.
Bệnh nhân là ông Nguyễn Trọng H, 75 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội. Ông H. đi khám với lý do đau cột sống thắt lưng, hạ sườn phải.
Trước khi vào viện Bạch Mai 20 ngày, người đàn ông này xuất hiện đau thắt lưng trái và hạ sườn phải âm ỉ, không sốt, không gầy sút cân. Từng đi siêu âm và nhận kết quả chẩn đoán ở một cơ sở y tế khác ở Hà Nội là u gan phải, ông liền đến Bệnh viện Bạch Mai khám.
Tại đây, ông được làm các xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng phát hiện hình ảnh u gan phải kích thước 25x19mm. Bệnh nhân nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu để chẩn đoán xác định và điều trị.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không phát hiện tổn thương bất thường, tìm ký sinh trùng trong phân không có, xét nghiệm sán lá gan huyết thanh cho kết quả âm tính. Bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày – đại tràng cho bệnh nhân cũng không phát hiện bất thường.
Cuối cùng, khi được sinh thiết u gan phải, kết quả mô bệnh học cho thấy hình ảnh áp xe gan do ký sinh trùng. Bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Bệnh nhiệt đới để tiếp tục điều trị.
Ảnh minh hoạ
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, u gan phát hiện tình cờ trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể là tổn thương lành tính của tế bào gan hoặc tổn thương ác tính. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bệnh lý tổn thương gan do ký sinh trùng là không hiếm, thậm chí là hay gặp.
Do đó, các chuyên gia về ung bướu cho rằng, khi tiếp cận chẩn đoán trên một bệnh nhân có khối u gan, bác sĩ cần tiếp cận theo hướng đa chiều không chỉ là bệnh lý chuyên ngành ung thư (ung thư gan nguyên phát hay ung thư di căn gan) mà cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như tổn thương gan do ký sinh trùng hay tổn thương gan lành tính.
Điều này sẽ tránh được việc chẩn đoán nhầm. Trên thực tế đã có bệnh nhân chỉ u gan do ký sinh trùng nhưng lại bị nhầm là u ác tính, phải phẫu thuật cắt bỏ thùy gan, cắt túi mật và nạo vét hạch cuống gan... Sau 5 ngày, bệnh nhân này được thông báo khối u trong gan không phải u ác mà là khối tổn thương do sán lá gan làm tổ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều trị, theo dõi phục hồi gan, sử dụng thuốc diệt sán lá gan lớn...
Tại Việt Nam, hầu hết bệnh do ký sinh trùng đều gây ra do thói quen ăn uống của người dân. Nhiều nơi, do phong tục tập quán nên người dân thường ăn rau sống, nấu chưa kỹ thực vật thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần, ăn tiết canh, nem chạo... Đây là nhóm thực phẩm có nguy cơ cao truyền bệnh sán lá gan lớn.
Một thực tế hiện nay, theo các chuyên gia , là người dân vẫn có những “cấm kỵ” khi nhắc đến các bệnh ký sinh trùng như giun, sán… là bệnh do "ăn bẩn", nên ngại nói ra, ngại đi khám. Điều này sẽ khiến việc chẩn đoán, điều trị khó khăn.
Bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường bị đau hạ sườn phải, đau thượng vị (mũi ức) dạ dày vì gan trái gần với dạ dày, nên dễ bị chẩn đoán nhầm thành đau dạ dày. Sán lá gan cũng gây ra những tổn thương gan như những ổ áp xe trong gan, phá hủy tế bào gan nên có thể bị chẩn đoán nhầm thành u gan. Có trường hợp bệnh nhân bị ổ áp xe gan quá lớn bị vỡ, phải mổ. Nếu không cấp cứu kịp có thể bị nhiễm trùng và tử vong.
Ngoài sán lá gan lớn, còn có sán lá gan nhỏ. Con đường để sán lá gan nhỏ đi vào cơ thể đó chính là thói quen ăn gỏi cá sống như: Cá mè, cá trắm, cá trôi… khi nhiễm sán lá gan nhỏ, thường sẽ bị viêm nhiễm đường mật, gây sỏi mật, tắc ống mật… thậm chí gây ung thư đường mật.