Liên tiếp xuất hiện các ca tử vong do bị mèo cắn

11-11-2019 15:50:16

Tất cả các nạn nhân đều chủ quan không tiêm phòng dại sau khi bị mèo cắn. Khi tới viện mọi việc đã quá muộn.


Các bác sĩ khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn người dân cần tiêm phòng để phòng chống bệnh dại. Hình minh hoạ.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM vừa qua tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị chó, mèo cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng dẫn đến tử vong do bệnh dại.

Ông P.V.T. (65 tuổi, ở Long An) được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng lơ mơ, huyết áp thấp, lạnh run, nước bọt chảy nhiều, liên tục trừng mắt, sợ ánh sáng, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán, ông T. mắc bệnh dại, tình trạng nguy kịch. Sau đó ông T. tử vong.

Người nhà bệnh nhân cho hay, trước khi phát bệnh bốn tháng, ông T. vô tình đạp phải đuôi mèo khi đang đi ngoài đường và bị mèo cắn vào chân trái. 2 ngày sau phát hiện con mèo chết ở gần nhà, người thân khuyên ông đi tiêm ngừa dại nhưng ông không nghe.

Trước đó Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Cà Mau cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do mèo cắn. Nạn nhân là ông D.V.U, 43 tuổi, ngụ ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, H.Phú Tân, tỉnh Cà Mau

Được biết,  trước khi nhập viện ông U. có biểu hiện mệt, kèm theo ớn lạnh, được người nhà mua thuốc uống, nhưng không giảm. Gia đình đưa ông đến Bệnh viện đa khoa huyện Cái Nước để khám và điều trị.

Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi dại và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau đó, ông U lại được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, nhưng  tử vong vào ngày 7/10.

Theo người nhà ông U, khoảng 3 tháng trước, ông U có bị con mèo của gia đình cắn vào ngón trỏ của bàn chân phải, chảy máu nhiều. Ít lâu sau, con mèo này bị con chó của gia đình ông U. cắn chết.

Sau khi bị mèo cắn, ông U. không đi tiêm phòng dại, cũng không sử dụng biện pháp chữa bệnh dân gian nào. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông U. dương tính với bệnh dại

Mới đây nhất là trường hợp bé N.T.T.T. (5 tuổi, ở Đồng Tháp) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, co giật, nước dãi chảy liên tục. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bé T. có vết thương ở vùng mi mắt và má có vết thương nghi do mèo cào, cắn.

Mẹ bé T. cho biết, hơn 1 tháng trước, trong lúc đùa giỡn với con mèo nhà hàng xóm thì bé bị con mèo tấn công làm bị thương vùng mặt. Sau đó, người nhà đã đưa bé đến trạm y tế khâu vết thương.

Bé T. được tiêm ngừa một mũi, nhưng không tiếp tục tiêm theo chỉ định do người nhà thấy vết thương liền da. Bé T. được chẩn đoán bệnh dại, mặc dù các bác sĩ lập tức lên phác đồ điều trị nhưng bé T. đã hôn mê sau 2 ngày nhập viện. Nhận thấy tình trạng bé quá nặng, gia đình đã xin đưa bé về.

Trao đổi với Infonet, bác sĩ Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh dại rất nguy hiểm vì khi phát bệnh hầu như bệnh nhân tử vong, nhưng bệnh dại có thể phòng ngừa khá hiệu quả bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh dại là do chủ quan không đến bệnh viện điều trị ngay sau khi bị chó, mèo cào, cắn, nhất là với vật nuôi trong nhà. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiêm ngừa dại khoảng 80-100 ca, cao điểm có đến 150-200 ca/ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi đã bị chó, mèo cào, cắn, dù vết thương thế nào người dân cũng nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám, tư vấn và chỉ định tiêm ngừa dại, phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm đối với từng loại vắc xin dại và phác đồ tiêm. Lưu ý quan trọng, nếu tiêm không đủ liều thì nguy cơ lây nhiễm bệnh dại vẫn rất cao.

TH
Theo Đời sống Plus/GĐVN //