Lật ca nô trên đường đi cứu hộ, phó chủ tịch huyện chới với giữa dòng lũ
Bất ngờ bị lật ca nô giữa lúc lũ lụt ở Phú Yên dâng cao, vị phó chủ tịch huyện vừa bơi ngửa xuôi theo nước lũ vừa kêu cứu giữa màn đêm.
Đã 2 ngày trôi qua sau vụ tai nạn lật ca nô trên sông Kỳ Lộ, ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vẫn chưa thể tin mình có thể sống sót trở về với vợ, con. Vị phó chủ tịch huyện kể lại với Zing News, vào tối 2/11, sau khi nhận được tin có xe khách gặp nạn vì lũ lụt ở Phú Yên, ông cùng 4 người trong nhóm cứu hộ tham gia ứng cứu.
Lực lượng cứu hộ lũ lụt ở Phú Yên. Ảnh Zing News
Lo lắng cho tính mạng hành khách và nước lũ dâng cao có thể cuốn phăng xe khách xuống dòng sông Kỳ Lộ, đoàn công tác quyết định đến hiện trường tổ chức cứu hộ. Tuy nhiên khi ca nô đi vào khúc cua sông Kỳ Lộ dưới chân cầu sắt thì bất ngờ lật úp.
"Trong cơn hoảng loạn, một chiến sĩ và anh Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đồng Xuân may mắn dạt ra ngoài đu bám được vào thành cầu sắt. Còn tôi, một chiến sĩ tên Mậu cùng anh Nguyễn Thanh Tân, một chủ doanh nghiệp, bị hất văng trôi dạt theo dòng nước lũ", ông Từ thuật lại.
Sau khi bơi 10 phút giữa dòng lũ mênh mông, bất giác ông Từ phát hiện áo phao bung ra mất từ lúc nào. Loay hoay giữa dòng lũ cuồn cuộn, ông liều mình bơi ngửa để vừa kéo khuy cởi áo mưa vừa kêu cứu giữa màn đêm. Sau gần 1 giờ vật lộn với lũ dữ, vị phó chủ tịch huyện gần như kiệt sức thì lũ đánh dạt vào bụi rậm bên sông.
"Kiệt sức vì lạnh, thật may mắn tôi bấu víu được cành cây bên bờ sông Kỳ Lộ tiếp tục kêu cứu. Nghe tiếng kêu, anh Mậu, chiến sĩ của huyện đội Đồng Xuân, mặc áo phao vừa bơi vừa kêu gọi người dân trên bờ tìm cách đưa tôi vào bờ", ông Từ thuật lại phút vật lộn giữa dòng lũ dữ sau khi lật ca nô.
Khu vực lũ lụt ở Phú Yên nơi xảy ra vụ lật ca nô. Ảnh Zing News
Nghe tiếng kêu cứu, nhiều người dân sống gần khu vực này cùng nhau soi đèn pin, dùng cây sào dài để ông Từ đu vào đưa lên bờ. Ông Thành, ngụ thị trấn La Hai, cho hay lúc đưa vị phó chủ tịch huyện vào bờ bà con liền cho mặc áo ấm, cho uống nước gừng để chống lạnh. Sau đó, mọi người đưa ông vượt cầu sắt bắc ngang sông Kỳ Lộ để xe chở về nhà.
Một trường hợp khác may mắn thoát chết một cách thần kỳ sau vụ lật ca nô trong dòng nước lũ lụt ở Phú Yên là ông Tân. Theo đó, sau gần nửa ngày mấy tích do bị lật ca nô, đến 9h30 ngày 3/11, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy ông Tân đang đu trên cây tre.
Ông Tân cho hay, khi chiếc ca nô chở nhóm người đi cứu hộ (trong đó có cả ông Từ) va vào thành cầu và bị lật, 4 người, trong đó có ông Từ, bơi thoát, còn ông Tân (có mặc áo phao) bị lũ cuốn mất. “Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy, ông Tân đang đu trên cây tre. Hiện sức khỏe ông Tân bình thường” – đại diện chính quyền địa phương cho biết.
Liên quan đến tình hình lũ lụt, ông Trần Hữu Thế - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho báo Tuổi Trẻ biết hiện thủy điện Sông Ba Hạ đã nâng mức xả lũ từ 4.300m3/giây lúc mờ sáng lên 7.000m3/giây.
Lũ lụt ở Phú Yên đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà. Ảnh Tuổi Trẻ
“Do các thủy điện bậc thang phía trên xả lũ nên lưu lượng lũ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ hiện nay đã là 10.000m3/giây rồi, nếu không xả lũ thì nguy cơ rất lớn. Tôi chỉ đạo thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ mức 7.000m3/giây đến 13h ngày 3/10, sau đó phải hãm lại vì dự báo đỉnh triều tối nay rất cao, 2,8m, nếu xả lớn nữa thì hạ du sông Ba sẽ ngập rất nặng” - ông Thế cho biết.
Ông Thế hiện đang đi kiểm tra tình hình lũ lụt tại huyện Tuy An và cho biết rất nhiều xã của huyện này đã bị lũ cô lập. Trong khi đó, hiện nhiều địa phương của huyện Đồng Xuân như Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Sơn Bắc cũng đã bị lũ lụt ở Phú Yên cô lập hoàn toàn.