Làm cách nào để phân biệt cúm A với các bệnh hô hấp khác?
Muốn phân biệt cúm A với các bệnh hô hấp khác, người bệnh bắt buộc phải xét nghiệm, test cúm, realtime PCR... Tuy nhiên, cúm A thường gây triệu chứng nhẹ.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà.
Các triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở đường hô hấp trên. Chỉ một số người có triệu chứng ở đường hô hấp dưới như viêm phổi, ho, đau ngực, khó thở.
Không tự ý xét nghiệm
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Do đó, nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là cúm mùa (bao gồm cúm A).
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà. Người dân cần liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Đồng thời, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Tốt nhất che bằng khăn vải hay khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi mắc bệnh. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, cúm là bệnh truyền nhiễm khá phổ biển. Người lớn hay trẻ em đều có thể mắc cúm.
Trong đó, nhóm nguy cơ cao biến chứng, mắc cúm nặng là trẻ dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi, có bệnh nền như phổi mạn tính, hen, bệnh tim mạch, suy tim, gan, thận, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người béo phì.
Đặc biệt, ở người cao tuổi, yếu tố gây bệnh nặng là theo thời gian, hệ miễn dịch suy giảm, có những bệnh mắc kèm, hoặc do lối sống.
Đôi khi, nhiều người có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá nhiều, uống bia, rượu, hoặc môi trường làm việc tiếp xúc với khói, bụi, chất độc, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch cơ thể. Điều quan trọng là những nhóm này cần tiêm vắc-xin. Khi đó, nếu có bị cúm cũng sẽ nhẹ hơn.
Triệu chứng đau mỏi người
Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị các địa phương tăng cường quản lý mua bán sinh phẩm xét nghiệm, thuốc chữa bệnh cúm. Các UBND chỉ đạo đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng thuốc điều trị, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm, đặc biệt là test nhanh xét nghiệm cúm mùa. Bảo đảm giữ ổn định giá thuốc điều trị, các trang thiết bị y tế phòng chống dịch này. Không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ tăng giá khi nhu cầu trong nước đang cao, gây khan hiếm thị trường. Đồng thời, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá thuốc điều trị, trang thiết bị y tế theo đúng quy định của pháp luật. |
Chia sẻ về Covid-19 và cúm, PGS Hạnh cho biết, cả hai bệnh đều do virus gây ra. Covid-19 do virus SARS-CoV-2, cúm do virus influenza. “Bệnh cảnh khởi đầu na ná nhau, đều có triệu chứng viêm đường hô hấp trên như: Sổ mũi, hắt hơi, ho, sốt, tức ngực.
Trong giai đoạn cấp tính, Covid-19 có triệu chứng khác (tùy loại chủng). Ví dụ, chủng Delta gây mất khứu giác, vị giác. Song, chủng khác rất khó phân biệt trong giai đoạn cấp tính”, chuyên gia cho biết.
Theo PGS Hạnh, muốn phân biệt Covid-19 và cúm A, người bệnh bắt buộc phải xét nghiệm, test cúm, realtime PCR... Tuy nhiên, cúm A thường gây triệu chứng nhẹ.
Các triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở đường hô hấp trên. Chỉ một số người có triệu chứng ở đường hô hấp dưới như viêm phổi, ho, đau ngực, khó thở. Đa phần người mắc cúm A có triệu chứng nhẹ như ngạt mũi, sổ mũi, đau họng, sốt...
“Rất khó để phân biệt cúm A với các loại cúm khác, hoặc vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp cấp tính. Có thể phân biệt bằng cách lưu ý đến yếu tố dịch tễ, ví dụ như vừa tiếp xúc với người mắc cúm. Ngoài ra, triệu chứng cúm thường đau mỏi người, đau hốc mắt.
Trong khi đó, triệu chứng bệnh hô hấp khác như viêm mũi xoang thường chảy dịch mủ, hoặc trường hợp viêm phế quản thường ho nặng hơn. Viêm phổi sẽ gây ho đờm vàng. Thông thường, để phân biệt chính xác, chỉ có thể làm xét nghiệm tìm virus cúm”, PGS Chu Thị Hạnh giải thích.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, để phòng chống các bệnh cúm, cần tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát trọng điểm, phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa.
Đồng thời, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện. Từ đó, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám chữa bệnh.