Lá lách người đàn ông vỡ đôi sau khi ngã xe đạp
Sau khi bị ngã xe đạp, người đàn ông được đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu do vỡ đôi lá lách và gãy 6 xương sườn.
Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân bị vỡ đôi lá lách. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây
Ngày 19/9, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, đơn vị này vừa qua đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bệnh nhân bị vỡ đôi lá lách sau khi ngã xe đạp. Theo đó, bệnh nhân là ông N.T. (60 tuổi, ở Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội).
Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu mạnh nhanh 110l/p, huyết áp 80/40 mmHg, da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng dữ dội vùng bụng trái bụng phản ứng, đau ngực trái, không khó thở.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu do vỡ lách độ IV, chấn thương ngực kín, gãy xương sườn 6 bên trái, tràn máu ổ bụng, tiên lượng rất nặng, nguy hiểm tới tính mạng. Quá trình hội chẩn khẩn cấp diễn ra, bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng mổ cấp cứu.
Trong quá trình phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ đã lấy từ ổ bụng của bệnh nhân 1800ml máu tươi lẫn máu cục. Đặc biệt, lách của bệnh nhân bị vỡ làm đôi nên các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ để cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được truyền máu và các chế phẩm máu.
Tới thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, da niêm mạc hồng. Bệnh nhân được chuyển tới khoa Ngoại Tổng hợp thep dõi và điểu trị. Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Sau tai nạn, lá lách người đàn ông bị vỡ đôi. Ảnh: PN Online
Trao đổi với PN Online, bác sĩ Phạm Tiến Dung - Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, lá lách là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong các chấn thương đụng, dập vào vùng bụng. Một trong các nguyên nhân thường gặp là bị tai nạn giao thông, điển hình là ngã xe đạp khiến vùng bụng đập vào tay lái.
Người bệnh có thể sống mà không cần lá lách. Tuy nhiên, do lá lách đóng vai trò quan trọng trong khả năng chống lại một số vi khuẩn nhất định, nên không có nội tạng này sẽ khiến người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.
Chính vì thế, người bệnh nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn, vaccine não mô cầu và vaccine Hib. Những vắc-xin này thường được tiêm trước 14 ngày khi người bệnh được cắt lách, hoặc 14 ngày sau phẫu thuật.