Lá đơn ra trận bằng máu và tinh thần chiến đấu bất diệt
Đó là những gì thể hiện chính xác nhất vào lúc này khi nói về lá đơn xin tái ngũ của sinh viên Nguyễn Chiều – Đại học Tổng hợp Hà Nội – cách đây 40 nGiờ đã nghỉ hưu, nhưng những ký ức về những ngày tháng cam go, nhưng đầy oai hùng trong khí thế hừng hừng chiến đấu của dân tộc, trong tâm cựu sinh viên này vẫn thổn thức.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.
Trước diễn biến nghiêm trọng, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”.
Tại các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu, Hà Tuyên (nay là Hà Giang, tuyên Quang), Quảng Ninh, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường trước sự xâm lược ngang ngược của quân Trung Quốc.
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, hàng vạn thanh niên, trí thức cùng đồng bào, nhân dân cả nước đã hết sức chi viện, ủng hộ tiền tuyến.
Đang là sinh viên năm thứ 3 ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sinh viên Nguyễn Chiều – cũng giống như bao thanh niên, sinh viên khác đang hừng hực sức trẻ, sự quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược. Nguyễn Chiều khi ấy vừa giải ngũ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ trở về năm 1976.
Ông Nguyễn Chiều và một người bạn cùng lớp đã viết những lá đơn xin nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc bằng máu cách đây 40 năm.
Không khí những ngày tháng 2, 3/1979 vô cùng căng thẳng. Ở khắp mọi nơi trên đất nước, nhân dân hô hào các phong trào, mít tinh, cổ động cho cuộc chiến tranh biên giới, cổ vũ tinh thần cho quân và dân ta chiến đấu.
Ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo trí nhớ của sinh viên Nguyễn Chiều (sau này là giảng viên khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), nhà trường đã dành hẳn một khoảng sân rộng để phát động các phong trào chống quân xâm lược.
Chiếc loa phát thanh ở ký túc xá phát đi những bản tin rành rọt. Trong tình hình chiến sự gay cấn, mỗi bản tin được phát đi, hàng triệu con tim chiến sĩ, đồng bào cả nước như thắt lại và vỡ oà với những chiến tích quân đội ta đạt được.
Tại trường Đại học Tổng hợp, lúc đó đang giờ học, loa phát thanh lại vang lên nhưng không phải là những bản tin bình thường. Đó là Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, với lời kêu gọi:
"Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
“Tôi nghe thấy và viết đơn xin tái ngũ ngay. Lúc đó trẻ, răng sắc, cắn đầu ngón tay một tí thôi. Máu ra, tôi viết trực tiếp lên mảnh giấy đó. Có nhiều người viết đơn, có người viết bằng bút mực, có vài trường hợp viết bằng máu. Trong đó tôi và một anh bạn cùng lớp viết đơn xin tái ngũ bằng máu. Điều này để thể hiện sự quyết tâm của nhân dân chúng ta trong cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc chống sự xâm lược của Trung Quốc” – ông Nguyễn Chiều nhớ lại.
Chiến tranh biên giới với Trung Quốc đã qua đi 40 năm, giờ đây khi đã nghỉ hưu, nhưng với cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp này, ông sẽ chẳng thể quên được những ngày tháng cam go đầy oai hùng của dân tộc.
Lá đơn của chàng sinh viên khoa Sử này được gửi tới chủ nhiệm khoa Lê Mậu Hãn. Tuy nhiên, lá đơn xin tái ngũ của anh chàng sinh viên vừa giải ngũ không được chấp nhận.
“Trong thời gian ngắn, Trung Quốc tuyên bố rút quân. Sau khi Trung Quốc rút quân, về cơ bản tình hình chiến tranh cũng bớt căng thẳng hơn, chỉ còn tập trung ở Vị Xuyên” – cựu sinh viên Đại học Tổng hợp nhớ lại.
Với bản chất của người lính, khi đất nước lâm nguy, vận mệnh của cả dân tộc bị đe doạ, những thế hệ sinh viên lúc bấy giờ sẵn sàng buông bút để cầm súng chiến đấu.
Tình thế gấp gáp, không khí khẩn trương của những ngày này 40 năm về trước là điều không dễ gì ông Nguyễn Chiều quên được. Giây phút ông cắn ngón tay để máu ứa ra rồi viết những dòng ngắn gọn xin tái ngũ là giây phút trong đầu ông chỉ hiện lên quyết tâm chiến đấu, tinh thần đánh đuổi quân xâm lược đến cháy bỏng.
“Cho tôi trở lại quân đội để bảo vệ Tổ quốc” – đó là nội dung lá đơn của ông Chiều. Lá đơn tái ngũ của ông chỉ vỏn vẹn 10 chữ nhưng nó thể hiện sức mạnh, ý chí của cả một thế hệ.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đã qua đi 40 năm, lá đơn xin tái ngũ của sinh viên Chiều đang được lưu giữ tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cũng đã bạc màu.
Tuy nhiên, những nét chữ vội vàng chứa đựng tâm huyết của ông Chiều và hàng vạn người dân thời điểm đó là những bằng chứng vô giá cho một giai đoạn bi thương nhưng cũng đầy anh hùng, quả cảm của dân tộc.
Nó thể hiện tinh thần chiến đấu chống quân xâm lược bất diệt của nhân dân ta từ trước đến nay.
Việt Nam đã làm điều bất ngờ Trao đổi với PV Dân Việt, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu 1 cho biết, cuộc chiến tranh biên giới 10 năm giữa nước ta và Trung Quốc là giai đoạn quân, dân cả nước chiến đấu kiên cường, bất khuất, khiến đối phương bất ngờ. Về tương quan lực lượng, tướng Thệ cho biết, có thời điểm quân đội Trung Quốc gấp 10 lần phía ta. Tuy nhiên, trước sức mạnh tập thể, tinh thần chiến đấu quả cảm, lối đánh khoa học, hợp lý, quân xâm lược Trung Quốc đã phải rút về nước sau 17 ngày xâm phạm lãnh thổ nước ta. Nói về việc không tương xứng giữa lực lượng khi tham chiến, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhận định, điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc chiến giữa ta và đối phương. Nhưng kết thúc trận chiến, Trung Quốc phải nhận những kết quả thảm bại. |