Kinh ngạc lấy viên sỏi san hô 'khổng lồ' trong thận người phụ nữ
Sau hơn hai giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra khỏi thận bệnh nhân viên sỏi san hô kích thước 5x11cm bám chặt vào đài bể thận và nhiều viên sỏi nhỏ khác.
Những viên sỏi san hô được lấy ra từ một bên thận của bệnh nhân. Ảnh: VTV News
Mới đây, theo nguồn tin trên VTV News, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết vừa qua đã phẫu thuật thành công ca sỏi thận dạng san hô cho một bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân là nữ, 54 tuổi, trú tại xã Vĩnh Trinh, Thới Lai, Cần Thơ.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức hông lưng trái, tiểu gắt buốt. Qua thăm khám, kết hợp với kết quả cận lâm sàng, chụp CT, các bác sĩ chẩn đoán sỏi san hô thận trái kích thước lớn, gây biến chứng ứ nước đài bể thận. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật lấy toàn bộ sỏi thận ra ngoài.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách bộc lộ mở bể thận trái để lấy sỏi. Sau hơn hai giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công, các bác sĩ đã lấy ra khỏi thận bệnh nhân viên sỏi kích thước 5x11cm bám chặt vào đài bể thận và nhiều viên sỏi nhỏ khác. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục rất tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo ThS.BS. Nguyễn Hữu Toàn, Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, so với sỏi thận thông thường, phẫu thuật lấy sỏi san hô phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Nguyên tắc quan trọng của mổ sỏi thận san hô là phải bảo toàn nhu mô thận tối đa nhưng phải cố gắng lấy hết sỏi và mất máu tối thiểu.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận là những người sống tại khu vực có khí hậu nhiệt đới, không uống đủ nước hoặc mắc các bệnh chuyển hóa. Tuy là mặt bệnh ít gặp nhưng sỏi san hô thường gây hậu quả nặng nề, khó khăn cho công tác điều trị.
Nếu không điều trị kịp thời, sỏi san hô sẽ tàn phá làm mất chức năng thận, gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Toàn khuyến cáo, khi bị đau vùng thắt lưng, tiểu máu, tiểu gắt buốt người bệnh nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà. Siêu âm bụng, chụp X-quang bụng là phương pháp cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện sỏi đường tiết niệu. Kích thước sỏi càng nhỏ - phương pháp điều trị càng đơn giản.