Không chỉ viêm phổi, virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương não
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, virus SARS-CoV-2 không chỉ gây tổn thương hệ hô hấp, virus SARS-CoV-2 còn được cho là có thể gây viêm cho phần não điều khiển việc hô hấp.
Không chỉ viêm phổi, virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương não
Kết quả nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ thuộc Đại học Case Western Reserve (bang Ohio) được công bố trên tạp chí “The Journal of Physiology”, dưới tên tác giả Yee-Hsee Hsieh.
Nghiên cứu được tiến hành trên chuột, trong đó cho thấy việc điều trị cho các vùng não điều khiển việc hô hấp có thể đóng vai trò chính trong việc giúp bệnh nhân phục hồi sau chấn thương phổi do Covid-19, theo báo Tiền phong.
Nói một cách đơn giản, khi hệ thống miễn dịch “chiến đấu” chống lại nhiễm trùng phổi, nó sẽ gây ra phản ứng viêm. Nhưng đôi khi, hệ thống này còn gây viêm cho bộ phận khác ngoài phổi, cụ thể là vùng não điều khiển việc hô hấp.
Do đó, những bệnh nhân mắc Covid-19 cực nặng, ví dụ các bệnh nhân phải đặt máy thở, có khả năng cũng bị tổn thương phần này của hệ thần kinh trung ương. Ở những con chuột bị tổn thương phổi, khi được dùng thuốc kháng viêm, thì não sẽ là cơ quan giảm viêm nhiễm đầu tiên, sau đó mới đến phổi. Từ đó, nghiên cứu kết luận việc điều trị não có thể tác động rất lớn đến sự phục hồi của hệ hô hấp sau khi trải qua chứng viêm cấp tính như Covid-19.
Trong một nghiên cứu khác, hiện đang xuất hiện một số tin đồn cho rằng tia cực tím (UV) và vitamin C có thể được dùng trong điều trị y tế cho các bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp cấp Covid-19, theo Vietnamplus. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa tìm thấy đủ các bằng chứng khoa học để khẳng định tia UV và vitamin C có thể giúp chống lại bệnh Covid-19.
Trong một thông cáo báo chí chung được phát đi, Hiệp hội tia cực tím thế giới và Công ty RadTech bắc Mỹ khẳng định: “Không có căn cứ nào để khuyến cáo hoặc cho phép việc sử dụng an toàn tia UV với bước sóng và công suất nhất định trực tiếp lên cơ thể người có thể tiêu diệt được các loại virus như virus SARS-CoV-2.”
Các nhà khoa học tin rằng tia UV sẽ rất nguy hiểm nếu được chiếu trực tiếp lên cơ thể người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bức xạ UV có thể tổn thương da và mắt người. Học viện quốc gia Khoa học, Kỹ thuật và Y khoa Mỹ cảnh báo "không an toàn nếu sử dụng các máy khử trùng bằng tia UV lên cơ thể người."
Chuyên gia về tia cực tím Jim Malley, đồng thời là giáo sư về khoa học dân sự và môi trường tại Đại học New Hampshire cho biết nhiều năm qua, con người sử dụng tia UV trong không khí, các bề mặt và trong phòng bệnh viện với điều kiện không có người trong phòng.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, kính che mặt để tránh tia UV chiếu vào mắt và da.
Đối với vitamin C, nhiều nhà khoa học cho rằng ít có bằng chứng vitamin C liều cao giúp hệ miễn dịch chống lại được virus hoặc làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19.
Giáo sư William Schaffner chuyên về y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt thuộc bang Tennessee, Mỹ cho biết hiện không có bằng chúng nào cho thấy việc bổ sung vitamin C có thể giúp phòng bệnh Covid-19 và nếu có cũng rất hạn chế.