Ít nhất 4 giờ sau khi uống rượu bia mới được phép lái xe

03-01-2020 16:11:41

Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/20020 hiện là vấn đề nóng được người dân quan tâm. Vấn đề nhiều người thắc mắc nhất là nếu lỡ có uống chén rượu hay cốc bia thì bao lâu họ có thể tham gia giao thông mà không bị phạt.


Uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe và không phạm luật là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay.

Khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức được thực hiện, xuất hiện thông tin nhiều người chia sẻ về việc đã uống rượu, bia thì 24h có thể điều khiển phương tiện và tham gia giao thông bình thường.

Trao đổi với PV, Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế,  đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia cho biết, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể bởi việc này phụ thuộc vào lượng rượu, bia người đó uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa. Với những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì sẽ mất thời gian lâu hơn.

Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Như vậy nếu một người khỏe mạnh, không có bệnh lý gì kèm theo, khi uống 1 đơn vị cồn phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.

Theo khuyến cáo của bà Trang, tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu có uống, nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Con số mà WHO đưa ra là nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Tuy nhiên với thể trạng thấp bé của người Việt Nam, để an toàn, lượng cồn tiêu thụ cần phải thấp hơn cả mức trên.


Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

Cùng quan điểm với vị đại diện đơn vị soạn thảo Luật, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Trưởng Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người sử dụng rượu bia không nên chủ quan bởi không thể xác định sau bao lâu thì mới không còn nồng độ cồn trong máu, để tránh bị xử phạt khi lực lượng chức năng kiểm tra.

“Thời gian để không còn nồng độ cồn trong máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như lượng rượu uống, nồng độ rượu, uống khi đói, uống liên tục trong thời gian dài, hoặc phụ thuộc tình trạng bệnh lý của người sử dụng. Thậm chí có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn", bác sĩ Nguyễn nhấn mạnh thêm.

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu bia. Trường hợp sử dụng rượu bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, cố gắng hạn chế tối đa số lần uống rượu, cũng như lượng rượu mỗi lần sử dụng bởi bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều có ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn. 

Về vấn đề nhiều người lo ngại có thể bị "xử oan" khi mình lỡ ăn hoa quả lên men hay uống các loại thuốc, siro làm tăng nồng độ cồn trong máu, đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia khẳng định: "Sau này, trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện luật, chúng tôi sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng biết với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt. Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho cả người dân và lực lượng chức năng để có thể xử lý các tình huống cho phù hợp"

Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ 1/1/2020, khi lái xe (xe đạp, xe máy, ô tô...) có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Nghị định mới điều chỉnh theo luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1/12020.

Với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền 2-3 triệu đồng, giữa giấy phép lái xe 10-12 tháng, với ô tô, bị phạt 6-8 triệu, giữ giấy phép 2-4 tháng.

Nếu vượt quá nồng độ cồn 0,4mg/lít khí thở, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng,với ô tô, bị phạt tới 30-40 triệu đồng. Cả 2 loại phương tiện trong trường hợp này đều bị giữ giấy phép 22-24 tháng.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //