Hy hữu: Cụ ông 74 tuổi bị khối bã thức ăn choán hết diện tích dạ dày
Một cụ ông 74 tuổi nhập viện trong tình trạng dạ dày bị choán hết diện tích do khối bã thức ăn tích tụ lâu ngày. Phải sau 3 lần nội soi, các bác sĩ mới lấy được hết lượng bã thức ăn trong bụng bệnh nhân ra ngoài.
"Thủ phạm" không ngờ gây khó tiêu, ợ nóng, hôi miệng
Bệnh nhân 74 tuổi nói trên đã đến khám ở phòng khám đa khoa Hoàng Long (Hà Nội) sau một thời gian dài ăn không tiêu, bụng ậm ạch, ợ nóng và hơi thở có mùi hôi. Cách đây 3,5 tháng, bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ 3/4 dạ dày tại một bệnh viện do có chẩn đoán ung thư dạ dày (loại ung thư biểu mô tế bào nhẫn).
Trước khi ra viện, bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn “đây là loại ung thư dạ dày đáp ứng kém với hóa chất, vì vậy nên dùng các thuốc nâng cao sức khỏe”. Do đó, gia đình đã cho cụ ông dùng bột tam thất, tinh bột nghệ trộn với mật ong, linh chi với mong muốn bệnh nhân sớm hồi phục.
Trong gần 3 tháng sau mổ, cụ ông 74 tuổi chỉ ăn cháo, súp ninh nhừ. Từ tháng thứ 3 trở đi, cụ mới bắt đầu ăn bổ sung xen kẽ cơm, bánh đa, miến...
Nội soi tiêu hóa là cách phát hiện khối bã thức ăn (nếu có) một cách dễ dàng. Ảnh minh họa
Theo GS.TS Đào Văn Long (nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, trưởng phòng khám đa khoa Hoàng Long), khi nội soi dạ dày cho bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy: Có một khối bã thức ăn kết dính choán gần như toàn bộ phần dạ dày còn lại. Do khối bã thức ăn quá lớn trong khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân còn yếu nên các bác sĩ đã phải nội soi gắp bã thức ăn trong 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần với dụng cụ chuyên dụng.
Khối bã thức ăn được gắp ra có mùi hôi rất khó chịu, là khối kết dính chủ yếu của tinh bột nghệ quyện với chất xơ của thức ăn. Sau đó, cụ ông được khuyến cáo chỉ nên sử dụng thức ăn ninh nhừ hoặc xay nhuyễn và uống nước quả bổ sung vitamin kết hợp với điều trị nội khoa theo đơn, hẹn 1 tuần sau quay lại nội soi tiếp.
Sau 1 tuần, bệnh nhân đã được nội soi gắp tiếp một phần bã thức ăn. 1 tuần tiếp sau nữa, ở lần nội soi thứ 3, khối bã thức ăn đã được tán nhỏ, sau đó lấy hết bằng vợt chuyên dụng.
Làm thế nào để không bị khối bã thức ăn trong dạ dày?
GS.TS Đào Văn Long cho biết, khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ do nhu động của đường tiêu hóa kém. Với những đối tượng này, dạ dày dễ có khối bã thức ăn nếu thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ xen-lu-lô như măng.
Thời điểm ăn cũng có liên quan đến việc hình thành khối bã. Nếu ăn các loại hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, thức ăn dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Quả hồng ngâm là một trong những thủ phạm dễ gây ra khối bã thức ăn trong dạ dày. Ảnh Internet
Ngoài ra, thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn. Trước đây, với trường hợp bị bã thức ăn trong dạ dày, bác sĩ thường phải phẫu thuật cho bệnh nhân.
Gần đây, nhờ sự tiến bộ kỹ thuật nội soi tiêu hóa, bệnh nhân bị bã thức ăn đã tránh được phẫu thuật. Sau thủ thuật nội soi, bệnh nhân được về nhà điều trị ngoại trú.
Theo GS.TS Long, để tránh bị tạo khối bã thức ăn trong dạ dày, người cao tuổi cần ăn thức ăn nấu chín, ninh nhừ; không cố ăn những thức ăn dai, cứng như gân, sụn, không ăn măng. Đặc biệt, nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày, kết hợp tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Người có bệnh dạ dày thì hay dùng tam thất với mật ong. Tuy nhiên, người cao tuổi không nên dùng tinh nghệ dạng viên hoàn hoặc trộn đặc để ăn; cũng không nên dùng tinh bột nghệ uống cùng với nước cam vì dễ tạo kết dính bã thức ăn.
Khoai lang chữa viêm loét dạ dày cực hiệu quả