Giới trẻ 'thích' bùng hàng shipper: Văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội xuống cấp
"Xã hội của chúng ta, giáo dục của chúng ta hiện nay ra sao? Văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội xuống cấp tới mức không ai còn tin tưởng ai cả...", TS Vũ Thu Hương chia sẻ.
Tài xế bị boom hàng trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng
Thời gian gần đây báo chí và các trang mạng xã hội liên tục đưa tin về các vụ việc những bạn trẻ trộm đồ còn ngang nhiên chối bay chối biến, hay bùng hàng tiền triệu của các shipper rồi lên tiếng thách thức.
Cụ thể, ngày 7/6, khách lấy tên P.T đặt 20 ly trà sữa qua ứng dụng GrabFood với đơn hàng trị giá 1,2 triệu đồng. Khách này khẳng định với shipper rằng đặt hàng nghiêm túc và tự nhận là người đàng hoàng.
Thế nhưng khi shipper giao trà sữa đến thì khách đó lại boom hàng với lời nhắn: "Thôi mình boom nha". Sau đó, 2 đơn trà sữa khác với trị giá 1,6 triệu đồng và 1,3 triệu đồng cũng được đặt qua ứng dụng rồi tiếp tục “bùng”. Sự việc này khiến cư dân mạng vô cùng phẫn nộ và liên tục chỉ trích các đối tượng thực hiện hành vi này.
Trước đó, một đoạn clip gây bão mạng ghi lại cảnh cự cãi về việc 'nhặt giúp' chiếc túi xách bị rơi tại một Trung tâm thương mại trên địa bàn quận 2, TP.HCM cũng đã gây xôn xao vì thái độ của người bị bắt quả tang “cầm nhầm” đồ.
Theo đó, thời điểm bị phát hiện, đối tượng T.M.H. (15 tuổi, tạm trú quận 4, là nam giới) liến thoắng biện minh, thậm chí còn giậm chân, múa tay cho rằng mình chỉ nhặt lên giúp chứ không hề ăn cắp, còn liên tục cãi chày cãi cối "em lượm lên, chị hiểu hông?".
Tuy nhiên, sau đó, tại công an, T.M.H. thừa nhận hành vi phạm tội, chiếc túi xách được định giá 3,6 triệu đồng. Tuy nhiên, do thời điểm thực hiện, M.H. dưới 16 tuổi nên công an phường chỉ lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cho công an địa phương nơi H. đăng ký tạm trú để quản lý, giáo dục tại địa phương.
H. bị bắt quả tang 'cầm nhầm' đồ tranh cãi với chủ chiếc túi (áo kẻ)
Những câu chuyện nêu trên khiến nhiều người không khỏi xót xa, ái ngại cho một bộ phận giới trẻ và cho rằng họ đang coi thường tiền bạc, mồ hôi và công sức của người khác.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng không mấy bất ngờ khi các vụ việc này diễn ra.
TS Hương phân tích cụ thể: “Chúng ta hãy thử bình tĩnh nhìn lại xem, xã hội của chúng ta, giáo dục của chúng ta hiện nay ra sao? Văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội xuống cấp tới mức không ai còn tin tưởng ai cả. Vì hám lợi, hàng ngàn đến hàng triệu cá nhân đã hành xử tồi tệ.
Những vụ việc lấy trộm đồ vặt vãnh như mang giấy hoặc đồ dùng tại công sở về nhà đã trở nên quá bình thường. Văn hóa xã hội Việt tệ đến mức để đồ hở ra là mất. Vì thế, đám trẻ lớn lên có bắt chước làm những trò tồi tệ, vô đạo đức cũng là bình thường.
Trong khi đó, giáo dục của chúng ta ngày nay chỉ quan tâm đến kiến thức mà bỏ qua giáo dục đạo đức. Tình trạng con phạm lỗi ở trường bị giáo viên phạt, bố mẹ đến trường kiện giáo viên, tìm cách hủy hoại danh dự giáo viên để bênh vực con không hề hiếm. Giáo viên do muốn được yên thân cũng bỏ mặc không giáo dục đạo đức trẻ. Vì thế, việc trẻ làm những hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật cũng dễ hiểu”.
Tài xế mua hộ bánh kem, rồi ngồi chờ dưới cái nắng 40 độ vì không có người nhận
Chia sẻ về phương pháp để hạn chế tận gốc tình trạng này ở các bạn trẻ nói riêng và ở toàn xã hội nói chung, TS Vũ Thu Hương cho rằng cần “xiết chặt nghiêm minh luật pháp, ai sai phải bị phạt ngay và mọi người phạm lỗi đều phải xử nghiêm như nhau”.
Ngoài ra, cần có chế tài bảo vệ giáo viên khi cần thiết và có các quy định xử lý phụ huynh khi bênh con sai. Điều này sẽ giúp điều chỉnh lại hành vi của phụ huynh và giáo viên nhằm tác động tốt hơn đến giới trẻ. Khi đó những hành động xấu xí, tồi tệ trên sẽ không tiếp tục diễn ra.