Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về kiến nghị Nhà nước không nên quản lý tiền công đức

21-06-2021 16:54:43

Trước văn bản góp ý gửi lên các bộ ban ngành, kiến nghị Nhà nước không quản lý tiền công đức, làm thế tục hóa tính thiêng gây xôn xao dư luận, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức lên tiếng.

Ngày 17/6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi văn bản góp ý lên các bộ ban ngành, kiến nghị Nhà nước không quản lý tiền công đức, làm thế tục hóa tính thiêng của tiền công đức. Văn bản được gửi tới Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi văn bản góp ý, dư luận đã vô cùng quan tâm về vấn đề này. Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Dân Việt về vấn đề này.


Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh Nguyễn Chương

Phóng viên: Thưa Thượng toạ, vừa qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị Nhà nước không nên quản lý tiền công đức trong các đền chùa... Về vấn đề này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ý kiến cụ thể như thế nào, thưa ông?

Thượng tọa Thích Đức Thiện: Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời chào trân trọng đến Báo điện tử Dân Việt – Nông thôn ngày nay và Quý bạn đọc.

Trước hết, "đền" cũng như đình, điện, miếu, phủ… không phải là cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội mong rằng mọi người có sự phân biệt rõ ràng, không làm người đọc hiểu nhầm thực trạng quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng với các cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngày 17/6/2021, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Văn bản số 157/HĐTS-VP1 góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ tài chính liên quan đến quản lý tiền công đức. Tại văn bản này, Giáo hội kiến nghị Bộ tài chính hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng: hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi "tiền công đức" hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa "tiền công đức" và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi "tiền công đức" được cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành. 


Khách đặt tiền công đức tại đền Đức Ông. Ảnh Nguyễn Quý

Trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định nếu Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tiền công đức là không bảo đảm quyền sở hữu riêng của Giáo hội và nhà tu hành thành viên Giáo hội; không bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật bởi Dự thảo Thông tư chỉ nhằm quản lý "tiền công đức" của Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng, mà bỏ qua, không điều chỉnh hoạt động thu chi của các tôn giáo khác đối với "tiền lễ", "tiền khấn", "tiền dâng"... là những loại tiền cùng bản chất pháp lý với "tiền công đức". 

Trong Phật giáo, chúng ta cần hiểu rõ khi một người phát tâm công đức Tam Bảo là ý chí và hành động của họ hướng đến sự làm trong sạch tâm, và làm cho tâm được thanh tịnh. Từ "công đức" được ghi nhiều trong các kinh điển của Đức Phật và đã trở thành pháp môn tu, thực hành giáo lý của các tín đồ Phật tử, nó được dịch từ tiếng Pali là "Punna" có nghĩa là sự thanh tịnh, làm trong sạch tâm, hướng đến phúc đức để chuyển hóa nghiệp đạt được quả báo tốt, sự bình an, hạnh phúc. 

Do đó, từ "công đức" hàm chứa sự thiêng liêng, tôn kính. Trên cơ sở giáo lý đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định nếu Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tiền công đức là làm thế tục hóa tính thiêng của tiền công đức, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không tôn trọng niềm tin, giáo lý và lễ nghi Phật giáo, không tôn trọng ý chí của tín đồ Phật tử.

Điều này cũng gây xôn xao dư luận, gây ra ý kiến trái chiều, nhất là trong thời gian qua, khoản tiền công đức này ở nhiều nơi đã bị quản lý, chi tiêu một cách không minh bạch... ?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thành việc quản lý minh bạch tiền công đức, tài sản của Giáo hội theo đúng quy định của Giáo hội. Giáo hội cảm ơn sự quan tâm của xã hội, trong đó có báo chí đối với vấn đề này. 

Trên tinh thần mong muốn sự minh bạch, Giáo hội kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng Giới luật của Đức Phật, quy định của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước đối với trường hợp cơ sở tôn giáo của Giáo hội không minh bạch trong quản lý tiền, tài sản của Giáo hội khi có sự phát hiện và chứng cứ ở các cơ sở đó.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có giải pháp gì để đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản tiền công đức nếu như Nhà nước không quản lý, tránh việc sử dụng các khoản tiền này thiếu minh bạch, rõ ràng?

Trong Văn bản số 157/HĐTS-VP1 ngày 17/6/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ góp ý hoàn thiện Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính mà còn khẳng định quan điểm, định hướng của Giáo hội về vấn đề quản lý tiền công đức. 

Giáo hội đã có hệ thống văn bản nội bộ của Giáo hội về Giáo sản. Giáo hội đang thực hiện rà soát, tiếp tục hoàn thiện và tăng cường giám sát việc thực thi; tăng cường giáo dục nhận thức, thái độ và hành vi của Tăng Ni đối với tài sản theo Giáo lý, Giáo luật của Đức Phật, bảo đảm "tiền công đức" và các tài sản khác của Giáo hội "phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật" như quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. 

Giáo hội cũng kiến nghị Nhà nước phối hợp với Giáo hội phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Giáo hội. Trong cơ cấu tổ chức, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban Kinh tế, Tài chính Trung ương và ở các tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng có Ban Kinh tế, Tài chính là ban chuyên ngành quản lý theo ngành dọc tài sản của Giáo hội và các cơ sở tự viện thành viên.

Giáo hội cũng khẳng định trong trường hợp Thông tư vẫn giữ quy định Nhà nước quản lý thu chi tiền công đức thì Giáo hội "sẽ xem xét thay thế thuật ngữ "tiền công đức" bằng thuật ngữ "tiền cúng dường Tam Bảo" để tự bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của Giáo hội và nhà tu hành". Thượng toạ có thể nói cụ thể hơn?

Đối với Phật giáo, hành vi cúng dường của tín đồ Phật tử là hành vi thể hiện niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý và lễ nghi tôn giáo. Cách gọi "tiền công đức" là do căn cứ vào kết quả của hành vi cúng dường, làm phát sinh phúc báu từ sự tôn kính và hộ trì Tam Bảo. 

Cách gọi "tiền cúng dường Tam Bảo" là do căn cứ vào đối tượng được cúng dường, đó là Tam Bảo, tức là ba đối tượng tôn quý: Phật, Pháp, Tăng, trong đó Tăng là nhà tu hành đang thực hành đúng Giáo pháp của Đức Phật. 

Giáo hội khuyến khích bất cứ ai muốn đảm nhận trọng trách quản lý và sử dụng tiền, tài sản công đức, cúng dường Tam Bảo thì hãy xuất gia và thực hành đúng Giáo pháp của Đức Phật. 

Trường hợp Dự thảo Thông tư tiếp tục quy định mập mờ về quản lý thu chi "tiền công đức" thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xem xét thay thế thuật ngữ "tiền công đức" bằng thuật ngữ "tiền cúng dường Tam Bảo" trong các văn bản và hoạt động tôn giáo của Giáo hội, đồng thời thông báo rộng rãi cho tín đồ Phật tử trong và ngoài nước về thay đổi này.

Việc thay đổi thuật ngữ nhằm tự bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của Giáo hội và nhà tu hành thành viên Giáo hội, đồng thời tránh sự nhầm lẫn của tín đồ Phật tử khi thực hiện hành vi công đức cúng dường Tam Bảo và khi thực hiện hành vi tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.

Dù thay đổi thuật ngữ thì bản chất pháp lý của tiền, tài sản công đức hay cúng dường Tam Bảo vẫn không thay đổi, vẫn là tài sản hợp pháp của Giáo hội và nhà tu hành thành viên Giáo hội, phải được Nhà nước bảo hộ và bất khả xâm phạm theo luật.

Xin trân trọng cảm ơn Thượng toạ về cuộc trao đổi này!

Gia Khiêm
Theo Dân Việt //