Giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em bằng cách phổ cập dạy bơi

08-12-2022 06:43:35

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ đuối nước là phổ cập dạy bơi cho trẻ.

Ngày 7/12, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội thảo về "Phòng, chống đuối nước trẻ em" tại Hà Nội.

Thông tin từ hội thảo cho biết, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Nhằm giảm nguy cơ đuối nước, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, một trong những biện pháp hiệu quả đó là phổ cập dạy bơi cho trẻ.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường đại học Y tế công cộng cũng khẳng định, dạy bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống đuối nước, từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Các nghiên cứu đã chứng minh ở những nước thu nhập thấp và trung bình như vùng nông thôn của Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan, Philippines, Malaysia... dạy bơi cho trẻ em là biện pháp làm giảm nguy cơ đuối nước.

Một trong những biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ đuối nước đó là phổ cập dạy bơi cho trẻ. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam được Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức Campaign For Tobacco Free Kids (đơn vị vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ) triển khai từ năm 2018 cùng sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ.

Hơn 4 năm qua, chương trình đã dạy bơi miễn phí cho hơn 29.000 trẻ em từ 6-15 tuổi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho gần 50.000 trẻ em tại trường học. Đồng thời, xây lắp và huy động sử dụng 87 bể bơi tại trường học, triển khai tại 32 huyện của 12 tỉnh có gánh nặng đuối nước trẻ em cao nhất trên cả nước.

Chương trình được triển khai tại 32 huyện của 12 tỉnh có gánh nặng đuối nước trẻ em cao nhất trên cả nước. Theo kết quả đánh giá độc lập của chương trình, tỷ lệ biết bơi của trẻ em tại địa bàn can thiệp đã tăng gấp 2 lần, từ 14,7% năm 2018 lên 27% năm 2020, cao hơn so với tỉ lệ trung bình của toàn quốc. Tỉ lệ đuối nước ở trẻ em giảm 30% có ý nghĩa thống kê.

Điểm đáng chú ý của chương trình chính là giải pháp toàn diện, không chỉ dạy bơi cho trẻ mà còn trang bị kỹ năng nổi và kiến thức an toàn. Đây là một trong những khuyến nghị về Phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) cho biết, trong giai đoạn 2023- 2025, Tổ chức sẽ hỗ trợ bổ sung 2,1 triệu USD để triển khai chương trình Việt Nam. Theo đó, mở rộng địa bàn can thiệp tại 16 tỉnh dạy bơi miễn phí cho trẻ em Việt Nam thành phố và dạy bơi cho hơn 25.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn cho 50.000 trẻ em.

Đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục nhằm góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về phòng, chống đuối nước, đặc biệt trực tiếp là đối tượng trẻ em, học sinh.

Để bảo đảm đội ngũ cán bộ, giáo viên triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Tổng cục TDTT, Cục Trẻ em tổ chức các lớp tập huấn phương pháp dạy bơi, cứu đuối an toàn; lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh cho đội ngũ giáo viên cốt cán ngành giáo dục.

Từ đội ngũ cốt cán này, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nhân rộng cho toàn bộ giáo viên trong các cơ sở giáo dục để bảo đảm việc hướng dẫn, trang bị cho trẻ em, học sinh trong nhà trường.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //