Gần 100 xe khách biểu tình phản đối phân luồng tuyến vì lo sợ nguy cơ phá sản?
Hơn 2 tháng gửi đơn tới cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, hàng chục xe khách của các doanh nghiệp vận tải Thái Bình, Nam Định ''rủ nhau'' kéo lên cao tốc Pháp Vân để phản đối việc điều chuyển tuyến.
Doanh nghiệp vận tải ''tố'' trở tay không kịp
Liên quan đến sự việc gần 100 xe khách của các nhà xe Nam Định, Thái Bình rồng rắn trên cao tốc phản đối lệnh điều chuyển của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tới thời điểm hiện tại, đoàn xe đã bị lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông chặn lại tại trạm thu phí Pháp Vân.
Theo ghi nhận của PV Đời sống Plus, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có mặt để trao đổi, giải thích thêm cho các nhà xe về việc điều chuyển. Trao đổi với PV, đại diện các chủ doanh nghiệp đã nêu nguyện vọng mong muốn được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Hà Nội về việc đột nhiên điều chuyển các nhà xe từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Nước Ngầm hồi cuối năm 2016.
Đoàn xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
"Chúng tôi đang phục vụ hành khách tại bến xe Mỹ Đình, ký kết với các doanh nghiệp để khai thác đến năm 2020, nhưng đùng một cái chuyển chúng tôi xuống bến xe Nước Ngầm. Từ cuối năm ngoái đến giờ, không có hành khách để phục vụ. Phí dịch vụ bến lại thu cao. Giờ chúng tôi đứng trước nguy cơ phá sản, vỡ nợ", đại diện một nhà xe bức xúc nói.
Cũng theo đại diện nhà xe, họ đã có nhiều đơn từ gửi các cơ quan chức năng trong vòng hơn 2 tháng qua nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. "Ngay cả dịp Tết vừa rồi chúng tôi cũng không có khách mà phục vụ nên xe chạy không, tiền không có, phá sản đến nơi rồi...", đại diện một nhà xe cho biết thêm.
Các xe khách treo banner trước xe phản đối việc phân luồng tuyến
Một doanh nghiệp vận tải khác cũng cho hay, không nói đến lợi ích của nhà xe nhưng tại khu vực bến xe Mỹ Đình các sinh viên ở ngoại tỉnh này theo học tại các trường quanh khu vực này rất đông. "Thỉnh thoảng bố mẹ ở quê gửi xe chúng tôi ít rau, khi thì 10 - 15kg gạo cho con cái học ở Hà Nội… giờ phải ra tận Nước Ngầm để lấy thì lại phải thuê xe ôm, dẫn đến chi phí đội lên nhiều. Chưa kể, những ai ở Mỹ Đình muốn về quê lại phải ra Nước Ngầm, đi xa hơn, chi phí cao hơn, dẫn đến ngại đi và xe dù, bến cóc có cớ mà phát triển.
Còn về doanh nghiệp chúng tôi thì vốn không có phải vay ngân hàng nhưng 2 tháng nay, khách không có, tiền không ra thì lấy đâu trả nợ nên cứ thể này chỉ có mà phá sản, chết thôi. Chúng tôi tập trung chỉ mong Nhà nước xem xét, để tìm cho chúng tôi lối thoát", một chủ nhà xe Thái Bình than.
Phí quá cao?
Banner với dòng chữ "Đề nghị Chính phủ cứu lấy xe khách chúng tôi''
Chủ doanh nghiệp vận tải Chiến Dung cho hay, từ khi bị điều chuyển về bến Nước Ngầm, hành khách không có, doanh nghiệp gần như phải chạy xe không.
"Mỗi chuyến, được vài hành khách, không đủ chi phí xăng dầu chứ nói gì đến trả lương cho lái, phụ xe", vị này cho biết thêm. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp vận tải Đức Mỡi, lại than về việc phí dịch tại bên nước ngầm quá cao. "Phí dịch vụ bến Nước Ngầm rất cao, xe lại không có khách vì hành khách về khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy, Từ Liêm…mà trả ở bến Nước Ngầm thì họ phải mất thêm một chuyến nữa, nên họ không đi".
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho hay, ngoài các nhà xe Thái Bình, Nam Định thì nhiều nhà xe Ninh Bình, Thanh Hóa đang liên hệ và trong tối nay, sẽ tiếp tục kéo ra nêu ý kiến về việc điều chuyển.
Trong khi đó, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, người có mặt trực tiếp tại đây cho biết, hiện tại Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đang ngồi trực tiếp tại trụ sở của Sở để sẵn sàng đối thoại với đại diện các doanh nghiệp vận tải về việc điều chuyển. Cũng theo ông Long, để đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông, hiện các lực lượng chức năng của thành phố đã được tăng cường,