Đừng chủ quan nếu bị sốt, mệt mỏi khi “bão” Zika đang hoành hành

09-12-2016 10:39:13

Hiện số người nhiễm virus Zika đang tăng nhanh một cách đáng lo ngại. Do đó, các gia đình cần học cách nhận biết các triệu chứng sốt Zika ngay hôm nay.

Thời gian gần đây, tình hình sốt virus Zika đang diễn tiến theo chiều hướng đáng lo ngại với số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM hiện đã có 98 trường hợp nhiễm bệnh. Trong số đó, nhiều ca xuất hiện các triệu chứng sốt Zika rất rõ ràng ngay từ sớm trong khi một số bệnh nhân khác lại không có biểu hiện lâm sàng.

Triệu chứng sốt Zika ban đầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm sốt thông thường

Trước tình hình đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên học cách nhận biết các triệu chứng sốt virus Zika cơ bản để sớm có phương án thăm khám, điều trị và cách ly bệnh nhân. Theo đó, các biểu hiện ban đầu của người nhiễm virus Zika cụ thể như sau:

- Bệnh nhân sốt nhẹ khoảng 37,8 – 38,5 độ C, người cảm thấy mệt mỏi, phát ban sẩn rát trên da, thấy đau ở các khớp nhỏ trên bàn chân, bàn tay.

- Cơ thể suy nhược, đau hố mắt, đau đầu, đau cơ, viêm xung huyết kết mạc.

- Một số ít trường hợp có thể bị ngứa hoặc loét niêm mạc, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng.

Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm virus Zika kéo dài từ 3 – 12 ngày. Khi nghi ngờ gia đình có người bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt Zika, cần lập tức đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm cụ thể.

Nếu phát hiện triệu chứng nhiễm virus Zika, cần ngay lập tức đi khám bệnh

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh do nhiễm virus Zika như:

- Đậy kín tất cả các đồ vật dùng để chứa nước trong và quanh nhà để muỗi Aedes truyền bệnh sốt Zika và sốt xuất huyết không vào đẻ trứng.

- Thực hiện diệt bọ gậy / loăng quăng hàng tuần bằng cách thả cá vào các đồ vật chứa nước  lớn; cọ rửa thau chậu vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không dùng để chứa nước; thay nước thường xuyên cho bình hoa; bỏ dầu hoặc muối vào bát nước rồi đem kê chân chạn.

- Loại bỏ các hốc nước tự nhiên, vật liệu phế thải, phát quang bụi rậm để muỗi không vào đẻ trứng trong bẹ lá, hốc tre, lốp xe cũ, mảnh sành, vỏ dừa, mảnh chai, chai, lọ,…

Tích cực diệt muỗi để tránh lây nhiễm virus Zika

- Thả màn khi đi ngủ, mặc quần áo kín và dài để phòng ngừa muỗi đốt ngay cả ban ngày, nhất là ở các vùng có dịch sốt virus Zika.

- Tích cực phun hóa chất diệt muỗi thường xuyên.

- Khi xuất hiện triệu chứng sốt Zika cần lập tức đến cơ sở y tế để được tư vấn và khám chữa, không được tự điều trị tại nhà.

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus //