Đột phá trong cuộc chiến chống Covid-19
Khi số người chết trên toàn cầu do Covid-19 đã vượt qua 1,54 triệu người, với hơn 67,5 triệu trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện, thì cuộc đua tìm kiếm vaccine càng ráo riết.
Và rồi, ngày 8/12, Vương quốc Anh đã trở thành nước đầu tiên triển khai tiêm chủng vaccine ngừa SARS-CoV-2, sự kiện được coi là đột phá trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu.
1. Ngày 8/12, Vương quốc Anh đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), khi Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép lưu hành vaccine ngừa Covid-19 do liên doanh Pfizer/BioNTech sản xuất.
Chương trình tiêm chủng quốc gia, được gọi là “Ngày V” của Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, đã được Thủ tướng Boris Johnson coi là một bước tiến lớn. Ông Johnson vô cùng tự hào về thành quả của các nhà khoa học nghiên cứu vaccine, đồng thời cũng hết lời khen ngợi các thành viên của NHS vì đã làm việc không mệt mỏi để triển khai việc tiêm chủng rộng rãi.
Có khoảng 50 trung tâm y tế, bệnh viện tại Anh sẽ bắt đầu tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho các nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc tại nhà và những người trên 80 tuổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc triển khai tiêm vaccine Pfizer là một tin tốt nhưng sẽ không thể bảo vệ ngay lập tức.
Vaccine Pfizer/BioNTech được cho là có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 lên tới 95% và hiện đang được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp, cũng như được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận.
Tuần trước, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho một loại vaccine được sản xuất bởi Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ và Công ty BioNTech của Đức.
London đã đặt mua 40 triệu liều vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất, đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người dân. Dự kiến, khoảng 800.000 liều vaccine sẽ tới Anh trong tuần này.
Tới thời điểm này, khi chiến dịch tiêm vaccine bắt đầu, Chính phủ Anh đã đồng ý nới lỏng các biện pháp trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới bằng cách cho phép tối đa 3 hộ gia đình ở xen kẽ nhau, từ ngày 23 đến ngày 28/12. Vương quốc Anh hiện có hơn 1,7 triệu ca nhiễm Covid-19 được xác nhận và số ca tử vong do Covid-19 của nước này là hơn 61.000.
Cùng với Anh, Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào đầu tháng 1/2021 và dự kiến mùa Hè tới sẽ tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số dân 8,5 triệu người.
Với mục tiêu tiêm chủng cho 6 triệu người vào mùa Hè, Thụy Sĩ sẽ cần có tới 70.000 mũi vaccine/ngày. Đến nay, Thụy Sĩ đã có hợp đồng mua tổng cộng 13 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ hai nhà cung cấp vaccine và thông qua chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
2. Trong khi đó ở châu Á, ngày 8/12, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với 4 công ty dược phẩm về việc cung cấp vaccine Covid-19 cho 44 triệu người. Bộ này đã đặt hàng trước 64 triệu liều đủ để tiêm chủng cho 34 triệu người.
Theo thỏa thuận với Chính phủ Hàn Quốc, AstraZeneca, Pfizer và Moderna sẽ cung cấp 20 triệu liều mỗi người (với 2 mũi tiêm cho mỗi người để tiêm chủng hoàn chỉnh), trong khi Johnson & Johnson’s Janssen sẽ cung cấp 4 triệu liều (chỉ cần một mũi tiêm).
Ngoài ra, là một phần của dự án vaccine Covax của WHO, các mũi tiêm cho 10 triệu người sẽ được cung cấp cho Hàn Quốc bởi AstraZeneca, Pfizer và Sanopi. Thời gian bắt đầu giao vaccine dự kiến vào đầu tháng 2.
Tuy nhiên, theo ông Park Neunghoo, Hàn Quốc sẽ tích cực theo dõi sự phát triển toàn cầu của vaccine ngừa Covid-19 và có thể thay đổi kế hoạch mua sắm nếu cần thiết.
Cũng trong ngày 8/12, Công ty dược phẩm sinh học AnGes của Nhật Bản cho biết, họ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đối với vaccine ngừa Covid-19 DNA.
Các thử nghiệm có sự tham gia của 500 người. Nhóm 1 gồm 250 người sẽ được tiêm chủng ngừa hai lần trong khoảng thời gian hai tuần; nhóm thứ hai với 250 người còn lại cũng sẽ được tiêm chủng ngừa 2 lần trong khoảng thời gian là bốn tuần. 50 người từ 2 nhóm trên sẽ được tiêm chủng ngừa bằng giả dược.
Công ty AnGes cũng cho biết, việc tiêm vaccine DNA sẽ được thực hiện tại Nhật trước tháng 3/2021 tại 8 cơ sở y tế.
Ưu điểm chính của vaccine DNA là tính an toàn, vì nó không sử dụng mầm bệnh. Thay vào đó, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để phản ứng với virus. Bên cạnh đó, khả năng sản xuất một cách nhanh chóng với số lượng không hạn chế là một lợi thế bổ sung của DNA. Một tính năng quan trọng khác của vaccine DNA là tính linh hoạt trong quá trình hình thành, vì ngay cả khi virus đột biến, vaccine mới có thể được phát triển chỉ trong vòng hai tuần.
Trước đó, ngày 7/12, Công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech đã được đảm bảo khoản tài trợ bổ sung trị giá hơn 500 triệu USD để sản xuất vaccine ngừa Covid-19, giữa bối cảnh Bắc Kinh đang trong cuộc chạy đua với nhiều nước trên thế giới để tung ra một loại vaccine nhằm kiểm soát được virus SARS-CoV-2.
Mặc dù các cơ quan quản lý trên thế giới vẫn chưa cho phép phân phối đại trà các loại vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, nước này vẫn phê duyệt lưu hành khẩn cấp một số ứng viên vaccine tiên tiến của mình. Các loại vaccine của Sinovac và Sinopharm đã được Chính phủ Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 7/2020.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thêm 5 loại vaccine ngừa Covid-19 từ 4 nhà sản xuất trong nước đang được thử nghiệm ở hơn 10 quốc gia khác.
Bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người Anh là người đầu tiên trên thế giới chính thức được tiêm vaccine ngừa Covid-19, ngày 8/12/2020.
Ngày 8/12, cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người Anh, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19, do Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và Hãng dược phẩm BioNTech của Đức bào chế. Một tuần trước khi cụ Keenan bước sang tuổi 91, Anh bắt đầu chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước này. Cụ Keenan nói rằng với cụ tiêm vaccine đồng nghĩa với việc có thể có thêm thời gian ở bên gia đình, bạn bè, nhất là khi đã ở cái tuổi “gần đất, xa trời”. Cùng với cụ Keenan, những người già trên 80 tuổi, các điều dưỡng và nhân viên y tế tuyến đầu và bảo trợ xã hội, là đối tượng đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Anh. Những người này sẽ phải tiêm nhắc lại mũi thứ hai sau 21 ngày. Hiện Anh là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất, với hơn 61.000 người tử vong. |