Doanh nhân Trần Uyên Phương: Tân Hiệp Phát tự tin tạo ra một ngành công nghiệp tái chế nhựa xanh
Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương muốn kêu gọi tất cả mọi người, cộng đồng, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp hành động vì môi trường, vì một ngày mai xanh.
Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương tham gia chạy tại LONGBIEN MARATHON 2019
Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một trong rất nhiều những doanh nghiệp hưởng ứng chương trình LONGBIEN MARATHON 2019 với thông điệp "Không để nhựa thành rác, Chạy cho ngày mai xanh" diễn ra vào sáng 27/10 vừa qua.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương cũng nằm trong số các runner dự giải. Doanh nhân Trần Uyên Phương thử sức ở cực ly 10km, hoàn thành sau hơn 1 giờ đồng hồ.
Tham gia giải chạy này, nữ doanh nhân muốn kêu gọi tất cả mọi người, cộng đồng, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp hành động vì môi trường, vì một ngày mai xanh. Đối với cá nhân hãy bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất, đối với doanh nghiệp hãy chung tay phát triển và hành động nhiều hơn vì cộng đồng.
Theo doanh nhân Trần Uyên Phương, bảo vệ môi trường là trách nhiệm mỗi cá nhân, hàng ngày chúng ta sử dụng rất nhiều sản phẩm không chỉ nhựa, nếu mỗi sản phẩm khi không sử dụng đều thải ra môi trường sẽ gây ra những tác hại lớn.
“Đối với cá nhân, tôi luôn hành động từ việc làm nhỏ nhất như: Khi đi công tác xa nhà tôi luôn tự mang theo bàn chải để không phải vất đi sau mỗi lần sử dụng, luôn phân loại rác thải…”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Cũng theo doanh nhân Trần Uyên Phương, với Tân Hiệp Phát, trách nhiệm cộng đồng là một chiến lược, tất cả các hoạt động của Tân Hiệp Phát luôn hướng đến làm sao tốt cho môi trường. Toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị của Tân Hiệp Phát luôn được nghiên cứu sử dụng làm sao để giảm lượng nhựa. Mặc dù bản thân nhựa không phải là rác thải, không phải thứ vô tri. Bên cạnh đó vận động cán bộ nhân viên luôn luôn bảo vệ môi trường.
Doanh nhân Trần Uyên Phương cho biết, nhựa không phải rác mà có thể tái chế
"Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, với những yêu cầu hiện nay của người tiêu dùng, đòi hỏi phải có một giải pháp toàn diện hơn, đó là mong muốn giải pháp toàn diện cho nền kinh tế tuần hoàn.
Bản thân chai nhựa không phải rác thải nó có thể tái sử dụng, trở thành ngành công nghiệp có nhiều người muốn tham gia, cùng tạo ra lợi nhuận. Điều đó giúp ngành công nghiệp thêm hiệu quả, tạo ra lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp", Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.
“Với Tân Hiệp Phát, ba năm qua chúng tôi đã nung nấu một dự án tái chế rác thải nhựa với hy vọng tham gia sâu hơn vào nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và thế giới với đầu vào là rác thải nhựa mà đầu ra sẽ là những sản phẩm tốt hơn và sử dụng vào nhiều ngành công nghiệp khác. Chúng tôi rất mong chờ Chính phủ có những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tiên phong” - bà Phương cho biết dự án này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.
Vị lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng khẳng định, Tập đoàn này sẵn sàng chung tay nghiên cứu bởi Tân Hiệp Phát tự tin có đủ nguồn lực để tạo ra một ngành công nghiệp tái chế nhựa xanh-sạch. Tuy nhiên, bà Phương cũng mong muốn những doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát sẽ có được sự ủng hộ từ Chính phủ, qua đó tạo thêm động lực cùng chung tay xây dựng nền kinh tế xanh.