Diễn biến của mưa sao băng và nguyệt thực tại Việt Nam rạng sáng 28/7
Hiện tượng nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00 giờ 14 phút đến 6 giờ 28 phút ngày 28/7.
Mưa sao băng và nguyệt thực tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Vào đêm 27, rạng sáng 28/7/2018, người dân tại Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng một sự kiện thiên văn học kỳ thú: Nguyệt thực toàn phần. Ở pha toàn phần, Mặt Trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn và chuyển sang màu đỏ tối. Đây là sự kiện thiên văn học không thể bỏ lỡ của năm 2018.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng khiến cho Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ gây ra hiện tượng Mặt Trăng có màu đỏ tối, nhiều người hay gọi là trăng máu.
Nguyệt thực kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00h14 đến 6h28, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h30 đến 4h13. Đây là lần thứ hai trong năm diễn ra hiện tượng này và phải đến tháng 5/2021 và tháng 11/2022 người Việt mới được chứng kiến tiếp.
Diễn biến của nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam được mô tả trong bảng dưới đây:
Diễn biến của nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam
Mưa sao băng xuất hiện trong trong thời gian Việt Nam có thể phải đối mặt nguy cơ thời tiết xấu. Nguy cơ xuất hiện mưa và mây mù áp thấp nhiệt đới là rất cao. Vì vậy sẽ có rất ít khu vực có thể quan sát được những hiện tượng kỳ thú này đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM…
Để quan sát được hiện tượng mưa sao băng rõ nhất trong thời gian này người xem cần quan sát bằng mắt thường và không nên dùng kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào. Chọn địa điểm quan sát có trường nhìn rộng, người ngắm sao băng nên chọn những chỗ đất cao, xa ánh điện thành phố, ít ô nhiễm hay bị ảnh hưởng của bụi, ánh sáng.
Nên tránh xa những nguồn sáng nhân tạo như đèn đường để có thể nhìn rõ những vệt sáng băng qua. Người xem có thể đem theo một ghế tựa và tấm mềm để thoải mái ngắm nhìn thiên hà về đêm.