Dịch sởi tăng gấp 50 lần cùng kỳ năm trước ở TP. HCM
Từ đầu năm 2019 đến nay, số ca nhập viện do sởi tại TP.HCM có dấu hiệu gia tăng đột biến. Hiện nhiều khoa, phòng tại các BV đã rơi vào tình trạng quá tải khi không chỉ nhiều trẻ em mà cả người lớn cũng phải nhập viện vì sởi bùng phát.
Bệnh nhân sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày 14/1 (Ảnh: Lê Phương/VnExpress)
Bệnh sởi bùng phát ở cả người lớn và trẻ nhỏ
Thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2018, bệnh sởi xuất hiện rải rác, có ngày BV không tiếp nhận ca sởi nào. Tuy nhiên chỉ trong tháng 12, số ca đã tăng lên 269 ca.
"Bệnh viện có 65 bệnh nhân đang điều trị sởi, quá nửa là trẻ em và thai phụ. Lượng bệnh hiện gấp đôi tháng trước và tăng hơn 50 lần cùng kỳ", bác sĩ Hoa trả lời trên VnExpress. Được biết, bệnh viện đang có kế hoạch tăng cường phòng bệnh, tách trẻ em và bệnh nhân người lớn ở hai khu điều trị.
Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM hiện đang điều trị cho 61 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có 5 ca nặng phải hỗ trợ thở máy. Các BS cho biết đa phần bệnh nhi đều ở tỉnh, không được chích ngừa đầy đủ.
“Đáng lo ngại nhất là những trường hợp trẻ đã mắc những bệnh như tim bẩm sinh, phôi mãn tính, nếu mắc thêm sởi sẽ làm cho bệnh tiến triển nhanh và kéo dài. Hiện bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chỉ mới 3-4 tháng, nhiều trường hợp đang diễn tiến nặng”, đại diện BV Nhi đồng 2 TP.HCM thông tin.
Ngoài trẻ em, năm nay các bác sỹ cũng ghi nhận có đến 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tính từ tháng 10/2018 đến nay, đã có bảy thai phụ mắc sởi, trong đó ba trường hợp phải chấm dứt thai kỳ.
Một thai phụ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nguyên nhân bệnh sởi bùng phát ở TP.HCM
Lý giải nguyên nhân gia tăng bệnh nhân mắc sởi những ngày cuối năm 2018 đầu năm 2019, bác sỹ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sởi là bệnh truyền nhiễm thường lặp lại sau chu kỳ 4-5 năm.
Ngoài yếu tố chu kỳ, theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đang có một lỗ hổng tiêm chủng trong cộng đồng khiến dịch sởi quay trở lại. Mỗi năm, khoảng 7-10 trẻ trong một địa phương không chích ngừa, năm năm sau sẽ có gần 50 trẻ không có miễn dịch. Lúc đó, chắc chắn những trẻ này sẽ mắc bệnh và lây lan cho người khác. “Khi tỷ lệ chích ngừa trong cộng đồng không đạt độ bao phủ để tạo miễn dịch thì chắc chắn dịch bệnh sẽ quay trở lại,” bác sỹ Khanh phân tích.
Trong khi đó, không chích ngừa đầy đủ mũi tiêm sởi-rubella trước khi mang thai là nguyên nhân chính khiến thai phụ mắc sởi gia tăng.
Bệnh viện Nhiệt đới có đến 50% bệnh nhân mắc sởi là người lớn (Ảnh: Tiền Phong)
Khuyến cáo của bác sĩ
Theo Vietnam plus, bác sỹ Trương Hữu Khanh phân tích, ở khu vực phía Nam, bệnh sởi thường rải rác quanh năm, các tháng mưa lạnh có thể tăng cao hơn. Bệnh do siêu vi trùng trong đường hô hấp gây ra nên thường có các triệu chứng ban đầu là sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng. Khoảng 3-4 ngày sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ đặc trưng của sởi ở mặt, sau đó lan xuống tai, ngực, bụng rồi đến tay, chân.
Trước tình hình bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, các bác sỹ khuyến cáo, trẻ em và người lớn cần chích ngừa vắc xin sởi đầy đủ để tránh mắc bệnh cũng như lây bệnh trong cộng đồng. Bệnh lây qua đường hô hấp, có thể điều trị cách ly tại nhà hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sỹ.
Khi mắc bệnh sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc với những người chưa mắc bệnh. Thời điểm dễ lây bệnh nhất là hai ngày trước khi phát ban và bốn hoặc năm ngày sau khi phát ban.
Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc trẻ em có biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi khi bị nghi mắc sởi thì cần được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.
Xem thêm clip: Lo ngại 'kịch bản' dịch sởi có thể quay lại như năm 2014