Dạy và học thời công nghệ số
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”. Nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để Việt Nam có những công dân toàn cầu, đồng thời để Việt Nam có thể trở thành điểm sáng trên bản đồ số.
Chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện GDĐT. Ảnh: Quang vinh.
Covid-19 tạo áp lực đẩy mạnh chuyển đổi số
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, không phải đến giờ ngành GDĐT mới nghĩ đến công cuộc chuyển đổi số mà đã thực hiện ở các mức độ khác nhau và dịch Covid-19 xảy ra đã tạo áp lực để “test” khả năng, thích ứng chuyển đổi số của ngành GDĐT.
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Với quy mô hơn 53 nghìn cơ sở GDĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành GDĐT xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện GDĐT, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước áp lực Covid-19 thời gian qua, giáo viên (GV), học sinh (HS) và phụ huynh đã được tiếp cận phương pháp giáo dục trực tuyến. Dù đã có kết quả bước đầu như vậy nhưng người đứng đầu ngành GDĐT cho rằng việc chuyển đổi cần tổ chức lại một cách bài bản thì hiệu quả tăng lên nhiều. Làm sao để đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kĩ năng chuyển đổi số để họ trở thành những công dân toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cũng chia sẻ, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có 80% các trường phổ thông áp dụng dạy học trực tuyến, 240 cơ sở đào tạo đại học áp dụng phương pháp đào tạo trực tuyến ở các mức độ khác nhau.
Việc ứng dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến có khả năng quản lý qua trình tổ chức dạy, học kiểm tra đánh giá trực tuyến. Rõ ràng GV, HS đã thích ứng với môi trường học tập số, và việc này cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Sớm triển khai đại học số tại Việt Nam
Tại Hội thảo, rất nhiều giải pháp được đưa ra để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT. Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel đề nghị: Bộ GD&ĐT đứng ra làm nhạc trưởng điều phối các doanh nghiệp trong nước hợp tác nghiên cứu phát triển, tránh chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết, tăng cường sử dụng sản phẩm của nhau.
Nhanh chóng, sớm ban hành khung pháp lý để công nhận kết quả học tập trên môi trường số và chính thức áp dụng việc sử dụng học bạ điện tử trong ngành. Viettel cam kết là người bạn đồng hành tin cậy trong công cuộc chuyển đổi số, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện, phát triển các giải pháp mới để hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục, đồng hành cùng ngành tạo ra một xã hội học tập.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên – Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) cho biết, VNPT đã đồng hành cùng ngành Giáo dục và ngành TT&TT triển khai giải pháp VNPT E – Learning đến hơn 21.000 trường học; 600000 giáo viên, 8 triệu học sinh và hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra. Cho rằng, giáo dục là chìa khóa của chuyển đổi số quốc gia, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh, ngành giáo dục cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ các trường ĐH thành “quốc gia” số thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của đại học, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất, bởi vì để đào tạo nhân lực về chuyển đổi số thì phải để họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trong hành trình này. Bởi vì chuyển đổi số, đầu tiên là nhắm vào giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội, ngành GDĐT cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bộ GD ĐT đã xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin quản lý tất cả các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành Giáo dục. Đến nay, đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý của ngành Giáo dục (53 nghìn trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương...); số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy - học ngoại ngữ... |