Đau nửa đầu sau gáy là bị bệnh gì?
Đau đầu được y học định nghĩa là triệu chứng đau nhức ở phần đầu (bao gồm cả vùng gáy, cổ, mặt hay hốc mắt). Cơn đau có thể âm ỉ hay nhói buốt, đau một bên hay hai bên, có thể đau dữ dội hoặc đau giật như mạch đập.
Đau nửa đầu sau gáy là một trong những triệu chứng mà nhiều người gặp phải, ở hầu hết mọi lứa tuổi, những cơn đau đầu có thể diễn ra thường xuyên, liên tục vài lần trong tuần và kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng.
1. Đau nửa đầu sau gáy là bị bệnh gì?
Đau nửa đầu sau gáy có thể làm người bệnh cảm thấy nhức mỏi vùng cổ, vai, gáy rồi lan lên vùng chẩm, đỉnh đầu và hai bên thái dương. Cơn đau có thể thành từng cơn hay âm ỉ cả ngày không dứt, khi đi ngủ thức dậy vẫn còn đau, có thể buồn nôn, chóng mặt.
Đau đầu sau gáy có thể không nguy hiểm nhưng cũng có khi cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng. Nếu các cơn đau đầu sau gáy xuất hiện đột ngột, dữ dội trong vòng 1 đến 5 phút thì đây có thể là cơn đau thứ phát do các bệnh như: xuất huyết não, bệnh huyết khối tĩnh mạch não, phình hoặc giãn, vỡ mạch não, hội chứng co mạch não, viêm màng não hay đột quỵ tuyến yên.
Các cơn đau đầu phía sau có thể xuất hiện do việc lạm dụng thuốc giảm đau. Cơn đau xuất hiện vào sáng sớm và kéo dài hết cả ngày. Khi dùng thuốc giảm đau, cơn đau thuyên giảm nhưng thuốc hết tác dụng thì các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn, ngày càng dữ dội và thường xuyên.
Ngoài ra, nếu lạm dụng thuốc bạn cũng có thể gặp một vài triệu chứng như:
- Đau mỏi phần cổ, vai, gáy.
- Cảm giác bồn chồn, bứt rứt.
- Nghẹt mũi.
- Khó ngủ, mất ngủ, hay tỉnh giữa đêm, thức dậy sớm…
Để chẩn đoán nguyên nhân gây các cơn đau đầu sau gáy, bác sĩ cần thực hiện những thăm khám như:
- Xét nghiệm máu (phát hiện các bệnh lý như thiếu máu).
- Chụp X-quang vùng đầu.
- Chụp cắt lớp CT hay MRI não để phát hiện những dị dạng mạch máu, tổn thương não...
2. Làm gì để chữa bệnh đau nửa đầu sau gáy?
Tùy vào nguyên nhân gây đau đầu mà có biện pháp điều trị bệnh phù hợp, ví dụ đau đầu do tăng huyết áp thì dùng thuốc giãn mạch, hạ huyết áp; nếu do viêm nhiễm thì dùng kháng sinh. Để giảm các cơn đau bạn có thể dùng các loại thuốc không kê đơn như Paracetamol,…Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng và nên tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.
Một vài người lựa chọn các liệu pháp điều trị thay thế như:
- Châm cứu (cần thực hiện bởi những người có chuyên môn).
- Các thuốc Đông y thế hệ 2 (được bào chế từ dược liệu cổ truyền thành dạng viên hay dạng nước tiện dụng, không mất nhiều thời gian chưng, sắc như dạng thuốc nam, thuốc bắc).
- Sử dụng các thực phẩm bổ sung, giúp tăng cường tuần hoàn máu, bổ máu trong các trường hợp đau đầu do thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình…
- Ngoài ra, nhiều người lựa chọn việc ngồi thiền, tập yoga để cải thiện bệnh.
Nếu thực hiện các liệu pháp không dùng thuốc người bệnh cần kiên trì bền bỉ tập luyện mỗi ngày mới thấy được hiệu quả.
Các cơn đau đầu thường diễn ra thường xuyên, liên tục, không di truyền hay truyền nhiễm nên người bệnh khá chủ quan, chỉ khi bệnh diễn ra nghiêm trọng mới tìm cách điều trị nên có nhiều trường hợp được chẩn đoán muộn các bệnh lý nguy hiểm, gây khó khăn trong quá trình điều trị, thậm chí tử vong.
Chính vì vậy, mỗi người nên có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, tránh các tác nhân gây bệnh, ăn uống lành mạnh và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe tổng thể và hạn chế các cơn đau do stress, thiếu nước, thiếu máu.
Đồng thời, nên định kỳ kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm gây ra các cơn đau.