Đã có 172 nước gia tham gia chương trình COVAX toàn cầu

22-09-2020 16:11:33

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các quốc gia tham gia chương trình COVAX toàn cầu nhằm đảm bảo phân phối công bằng nguồn cung vaccine chống lại Covid-19.

Sự kiện:
Covid-19

Theo The Guardian, Cơ chế Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX) là chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, với mục đích phân phối vaccine nCoV nhanh chóng và công bằng trên toàn cầu, sau khi vaccine được chấp thuận lưu hành. Ngoài WHO còn có sự tham gia của các tổ chức khác gồm Liên minh vaccine Gavi, Liên minh Sáng kiến và Chuẩn bị Phòng dịch (CEPI). Chương trình đặt mục tiêu cung cấp hai tỷ liều vaccine an toàn, hiệu quả cho người dân toàn thế giới vào cuối năm 2021.

Chương trình này được thành lập nhằm bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu và những người trong cơ sở chăm sóc xã hội, có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cao. Đối tượng tiếp nhận vaccine ưu tiên ban đầu sẽ là 3% dân số thuộc nhóm dễ bị tổn thương của các nước tham gia, theo thời gian sẽ tăng lên 20%.

Ảnh minh họa. Ảnh Reuters

Được biết ngày 18/9, là thời hạn chót để các nước thành viên đăng ký tham gia Cơ chế Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX) theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO ), tuy nhiên, theo tuyên bố mới nhất vừa đưa ra hôm qua (21/9) của Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Trung Quốc chưa có tên trong danh sách các quốc gia tham gia chương trình này.

Trước đó, Bắc Kinh cho biết "ủng hộ" COVAX nhưng không nói rõ có định đầu tư vào dự án này hay không. Mới đây, khi được hỏi về khả năng tham gia chương trình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ nhấn mạnh, những việc Bắc Kinh đang làm hiện nay hoàn toàn đồng nhất với chương trình COVAX. Bà cũng kêu gọi các quốc gia đạt tiến triển trong nghiên cứu vaccine hợp tác với Trung Quốc, nhằm giúp vaccine được phổ cập và đảm bảo khả năng chi trả.

Theo WHO, đến nay đã có 172 nước tham gia hoặc cam kết tham gia COVAX. Chương trình COVAX của WHO được thực hiện nhằm đảm bảo vaccine Covid-19 sẽ được phân bổ công bằng và hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi 92 nước có mức thu nhập thấp muốn tham gia chương trình thì các nước giàu lại không tham gia.

Hiện các đơn vị nghiên cứu vaccine có "ứng viên" trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối gấp rút thu thập dữ liệu để phân tích tính an toàn và hiệu quả. Nhiều hãng dược còn ký cam kết đảm bảo sẽ không rút ngắn quy trình nghiên cứu, thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn tuyệt đối. Dự kiến nếu mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch, một trong các "ứng viên" tiềm năng có thể được chấp thuận trong năm nay.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //