Da bị bỏng nắng trong mùa hè có thể gây ung thư
Trang thời tiết Weatheronline của Anh dự báo từ ngày 12 đến 15/4 chỉ số tia UV tại TP HCM lên đến 11. Đây là mức cảnh báo gây nguy hiểm cho da.
Cảnh báo tia cực tím ở mức 11 gây nguy hiểm cho da. Ảnh minh họa
Trang thời tiết AccuWeather của Mỹ cũng dự báo chỉ số tia cực tím UV tối đa ở TP HCM những ngày tới dao động ở mức 11, nhiệt độ 35-37.
Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số UV 8-10, thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút ở ngoài nắng. Khi UV từ 3 trở lên phải mặc áo chống nắng, đeo kiếng mát che chắn để bảo vệ cơ thể, Vnexpress đưa tin.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết bức xạ cực tím (ultraviolet radiation - UV) là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó, tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA tế bào da. Tia cực tím C có thể gây ung thư da, may mắn đã bị tầng ozon chặn lại.
Theo bác sĩ Vũ, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Tia cực tím làm tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt được cộng dồn, tích lũy trong suốt cuộc đời.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hạn chế tiếp xúc với tia cực tím là một trong những hành động quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh ung thư da. Bảo vệ da khỏi cháy nắng trong suốt lứa tuổi 20, 30 và 40 sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu nguy cơ mắc phải ung thư da, Tuổi trẻ đưa tin.
Hình thành thói quen bôi kem chống nắng
Sử dụng kem chống nắng là yêu cầu bắt buộc nếu bạn muốn bảo vệ làn da của mình trong mùa hè. Hãy bắt đầu thói quen bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài tương tự như thói quen đánh răng hàng ngày. Luôn đặt sẵn một bình kem chống nắng chịu nước SPF 30+ trong tầm nhìn của bạn. Bôi kem chống nắng mỗi khi ra ngoài và cố gắng duy trì đến khi nó trở thành bản năng tất yếu của bạn và cả gia đình.
Sử dụng kem chống nắng đúng cách
Ở bãi biển bạn thường nhìn thấy mọi người thoa kem chống nắng sau khi họ đến nơi và xuống biển luôn, nhưng sản phẩm chống nắng cần ít nhất 30 phút để phát huy tác dụng bảo vệ, vì các lớp hoá chất trước hết phải thấm vào lớp sừng. Kết quả là người sử dụng vẫn bị cháy nắng mặc dù đã thoa kem chống nắng. Hiệp hội Ung thư Australia khuyến cáo, nên bôi kem chống nắng sau mỗi 2 giờ ngay cả khi sản phẩm có thể chịu nước đến 4 giờ đồng hồ.
Tránh những giờ nắng gay gắt
Không gì tuyệt vời hơn là được vui chơi thỏa thích cùng với gia đình ở ngoài trời vào mỗi mùa hè. Thế nhưng cần lưu ý hạn chế thời gian ở ngoài trời quá lâu đặc biệt là trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều khi ánh nắng gay gắt nhất và cường độ tia UV mạnh nhất trong ngày. Cần đảm bảo vui chơi nơi gần với những khu vực có bóng râm để có thể tránh nắng khi cần thiết.