Cứu sống bệnh nhi 18 tháng nuốt kim băng vào thanh quản
Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) vừa gắp thành công một chiếc kim băng nằm trong hạ họng thanh quản bé gái 18 tháng tuổi.
Trước đó, cháu bé (ở Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang chơi đùa với người thân thì vô tình nuốt phải chiếc kim băng cài trên ngực áo. Cháu bé được đưa vào viện cấp cứu lúc khoảng 10h30 ngày 23/8. Phim chụp cho thấy: Chiếc kim băng đang ở dạng mở, dài hơn 3cm và nằm ở vùng hạ họng thanh quản.
Các bác sĩ đã nội soi họng, gắp thành công dị vật là chiếc kim băng ra ngoài. Đến 15h chiều, sức khỏe của cháu bé đã ổn định.
Dị vật là chiếc kim băng nằm trong thanh quản cháu bé. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Hóc dị vật là tai nạn khá phổ biến ở trẻ em; có nhiều trường hợp cứu được, và cũng có những trường hợp không cứu được (trường hợp không cứu được thường do các dị vật bít chặt thanh quản như thạch rau câu, khiến bé suy hô hấp và tử vong nhanh chóng).
Các bác sĩ khuyến cáo: Người trông trẻ cần chú ý trông chừng không để trẻ hóc dị vật. Có một số dị vật từng gặp như: hòn bi, cúc áo, hạt na, nhẫn, viên đạn nhựa, pin...và những đồ chơi khác dạng nhỏ. Khi trẻ đang ăn, không nên để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa khiến dị vật là thức ăn có thể vào đường thở.
Khi trẻ hóc dị vật, người lớn tuyệt đối không dùng tay móc học trẻ vì sẽ khiến dị vật vào sâu hơn.
Những thao tác sơ cứu khi trẻ hóc dị vật. Ảnh: Giadinh.net
Theo BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai): Gia đình có thể cấp cứu tại chỗ khi trẻ hóc dị vật trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tuy nhiên phải cấp cứu đúng cách.
Nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi, cần làm các thao tác sau:
- Vỗ lưng: Đặt một tay dưới lưng trẻ, ôm lấy lưng và giữ đầu. Tay còn lại đặt dọc phía trước, nắm chắc lấy hàm. Nhẹ nhàng lật sấp trẻ, tựa tay đặt phía trước trẻ lên đùi, đầu trẻ thấp. Thực hiện 5 lần vỗ lưng tại vị trí giữa hai vai trẻ.
- Đẩy ngực: Đặt một tay dọc, ôm lấy lưng trẻ, đầu trẻ nằm trong bàn tay, nhẹ nhàng lật ngửa trẻ, tay đặt phía trước ép chặt phía trước trẻ. Hạ thấp và tựa tay đỡ lưng trẻ xuống đùi, đầu trẻ thấp. Dùng 2-3 ngón tay đặt lên trung tâm ngực trẻ, đẩy ngực vào trong và lên trên ngực trẻ lõm xuống 3.8cm.
Nếu hóc dị vật xảy ra ở trẻ nhỏ trên 1 tuổi thì cần làm các biện pháp:
- Vỗ lưng: Ngồi hoặc đứng sau trẻ, đặt tay chéo qua ngực, nghiêng trẻ ra trước. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần tại vùng giữa hai vai.
- Đẩy bụng: Ngồi hoặc đứng sau trẻ, hai tay ôm quanh eo trẻ, nắm một bàn tay và đặt lên bụng (vùng thượng vị), bàn tay kia bọc lấy bàn tay nắm. Đẩy và kéo bụng vào trong và lên trên 5 lần.
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe