Cuộc sống của cô bé từng bị bố và dì ghẻ đánh gãy xương sườn, ném ra nghĩa địa, nhét vào bao tải để mang ra ao dìm
Đã 4 năm trôi qua kể từ khi bị bố và dì ghẻ bạo hành, vứt ra ngoài nghĩa địa nhưng kí ức kinh hoàng vẫn chưa một lần nguôi ngoai trong tâm hồn thơ ngây của đứa bé khốn khổ.
Bé gái bị ném ra ngoài nghĩa địa
Vào khoảng 22h ngày 29/10/2013, khi mà tất thảy những người dân thôn Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh (huyện Kinh Môn, Hải Dương) đã chìm trong giấc ngủ thì một tiếng kêu la thất thanh của 1 bé gái phát ra từ hướng nghĩa địa của thôn.
Mọi người bừng tỉnh, hô hào nhau đến xem thì phát hiện một bé gái, toàn thân ướt sũng. Quan sát kĩ, người dân phát hiện trên cơ thể cháu bé chằng chịt những vết thương như bị ai dùng roi đánh vào.
Ông Nguyễn Doãn Tròn kể lại sự việc đau lòng. Clip: Duẩn.
Đứa bé đó là cháu Nguyễn Minh Phương (6 tuổi, con của anh Nguyễn Doãn Thắng). Đợi tinh thần cháu bé ổn định, người dân tìm hiểu thì được biết trước đó cháu Phương bị người bố đẻ cùng "dì ghẻ" mình là Ngô Thị Huệ đánh đập tàn nhẫn, bỏ vào bảo, trấn nước rồi mang ra nghĩa địa vứt.
Quá trình khám và chụp chiếu, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (chuyên khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn, người từng trực tiếp khám bệnh cho cháu Phương cho biết) “Thời điểm đó, cháu Phương được người dân đưa đến nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Vùng mặt cháu bé bị thâm tím, trên người có nhiều vết bầm dập, tụ máu do ngoại lực tác động.
Ngôi nhà đơn sơ của gia đình ông bà nội là nơi che chở cho cháu Phương. Ảnh: Duẩn.
Đặc biệt, vùng cổ có vết trầy xước rất rõ như kiểu bị người khác bóp cổ. Kết quả chụp X-Quang và xét nghiệm chúng tôi còn phát hiện ra cháu bị gãy chiếc xương sườn số 6. Tình thần cháu bé hoang mang, sợ hãi”.
Sự việc ngay sau đó được người dân nhanh chóng báo cáo lên cơ quan chức năng để giải quyết.
Nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kinh Môn đã vào cuộc xác minh thông tin vụ việc và được biết người hành hạ, bạo hành dã man đối với cháu Phương không ai khác mà chính là người bố đẻ cùng mẹ kế của cháu bé.
Vào những ngày mưa gió, căn nhà lại bị dột nước. Ảnh: Duẩn.
Tại cơ quan chức năng, bố đẻ cháu bé là Nguyễn Doãn Thắng và người mẹ kế Ngô Thị Huệ thừa nhận đã nhiều lần thực hiện hành vi đánh đập, bạo hành với cháu Phương. Đặc biệt, có lần, Thắng cùng vợ đã bế cháu Phương ra ao nước trước cửa nhà bố vợ dìm con xuống. Ngoài ra, Thắng còn cho con vào bao tải định mang ra ao dìm nhưng được người dân phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Ngày 11/11/2013, VKSND huyện Kinh Môn đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can, bắt tạm giam với Nguyễn Doãn Thắng về tội “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, người có công nuôi dưỡng mình”.
Cuộc sống mới đầy khó khăn của cháu bé
Một buổi chiều tháng 6, tôi tìm về đội 13, thôn 4, xóm Kim Xuyên, xã An Sinh (Kinh Môn, Hải Dương) để thăm lại cô bé từng là nạn nhân của vụ việc từng gây rúng động dư luận năm nào. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cháu Phương được gia đình ông Nguyễn Doãn Tròn và bà Nguyễn Thị Đinh đón về để chăm sóc, nuôi nấng. Biết tôi về tìm hiểu cuộc sống của cháu Phương, ông Tròn không giấu được sự bất ngờ.
Dẫn tôi vào trong căn nhà đơn sơ được gia đình ông xây dựng từ năm 1980, ông Tròn ngậm ngùi kể lại cuộc sống mới đầy khó khăn của cô cháu gái.
Ông Nguyễn Doãn Tròn tâm sự với PV. Ảnh: Duẩn.
“Sau khi sự việc xảy ra, bố cháu bị bắt đi tù, chính quyền địa phương giao cháu cho vợ chồng tôi nuôi nấng. Để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dạy cháu, chúng tôi đã xin chuyển toàn bộ hồ sơ, học bạ của cháu về Trường Tiểu học xã An Sinh để tiện cho việc học tập.
Hiện tại, so với khoảng thời gian trở về trước, sức khỏe cháu cũng đã ổn định hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cháu vẫn hay kêu đau ở vùng đầu, vùng sườn có chiếc xương sườn số 6 bị đánh gãy. Phần đùi và mông trước đây bị đánh đập thì trở nên chai cứng, thô ráp”, ông Tròn cho hay.
Cháu Phương có lực học tốt, đặc biệt là môn Toán. Ảnh: Duẩn.
Bà Đinh cho biết thêm, khoảng 2 tuần sau khi vụ việc xảy ra, mẹ cháu Thu là chị Nguyễn Thị Hòa cũng đi lao động xuất khẩu từ Trung Quốc trở về thăm nhà, thăm con.
“Được một thời gian sau đó thì mẹ nó cũng đi bước nữa với một người đàn ông ở thôn Quế Lĩnh, xã Thượng Quận. Trước khi đi lấy chồng, mẹ cháu có cùng chồng sắp cưới đến hỏi thăm gia đình, gửi gắm cháu và biếu vợ chồng tôi số tiền 4 triệu đồng để chăm lo cho cháu.
Kể từ đó đến nay, cứ mỗi khi có dịp giỗ lễ, mẹ cháu thường đến xin phép chúng tôi để đưa cháu đi cùng”, bà Đinh cho hay.
Tôi cùng gia đình ông Đinh đang trò chuyện thì cháu Phương đi học thêm thêm trở về. So với thời điểm lần đầu gặp cháu cách đây 4 năm, cháu Phương giờ đã lớn khôn hơn rất nhiều và ra dáng một thiếu nữ.
Đưa ánh mắt trìu mến nhìn người cháu gái, ông Tròn không giấu được sự cảm thông. Ông bảo, kể từ khi sự việc xảy ra, gia đình ông đón Phương về chăm sóc. Cuộc sống gia đình vốn đã khốn khó lại có thêm một miệng ăn nhưng ông bà vẫn thấy rất hạnh phúc, mãn nguyện.
Bà Nguyễn Thị Đinh trong cuộc trao đổi với PV. Ảnh: Duẩn.
“Cháu Phương học tốt, đặc biệt là môn Toán. Đợt này là nghỉ hè, gia đình tôi cũng cố gắng thu xếp, vay mượn để cho cháu đi học thêm môn Toán. Cũng có nhiều chỗ học tiếng Anh nhưng gia đình khó khăn nên thôi”.
Theo vợ chồng ông Tròn, bà Đinh, cháu Phương là một cô bé rất chăm chỉ và ngoan ngoãn. Hiểu được sự vất vả, khó khăn của ông bà, hàng ngày, ngoài giờ học tập trên lớp, Phương vẫn thường trở về nhà giúp đỡ ông bà những công việc gia đình.
“Cháu nó ngoan và rất hiếu thảo, vợ chồng tôi đau ốm liên miên, ông nhà tôi cứ mỗi tháng lại phải đi viện 4 đến 5 lần để chữa bệnh đau dạ dày, tôi thì bằng này tuổi nhưng mắt đã không nhìn thấy gì. Kinh tế gia đình chủ yếu trông chờ vào khoản tiền trợ cấp hộ nghèo ít ỏi. Thấy ông bà không có tiền, cháu nó còn đề nghị ông bà nhận tỏi về bóc để kiếm thêm thu nhập.
Người con trai bị bắt để lại căn nhà xây dở cùng khoản nợ ngân hàng cho gia đình ông Tròn. Ảnh: Duẩn.
Sợ cháu bị ảnh hưởng việc học tập nên gia đình tôi cũng từ chối. Nhiều đêm nằm ôm cháu, thấy nó tỉ tê mà nghĩ lại tội nghiệp. Nó bảo: “Ông bà cố gắng nuôi con ăn học hết lớp 9 rồi con đi làm may kiếm tiền về phụ giúp ông bà”.
Khi tôi hỏi cháu sao lại có suy nghĩ như vậy thì cháu nó bảo muốn đi học tiếp lắm nhưng ông bà già yếu, con không đi kiếm tiền phụ giúp ông bà thì ông bà lấy tiền đâu ra”, nước mắt lưng tròng, bà Đinh tâm sự.
Nói về anh Nguyễn Doãn Thắng (bố đẻ cháu Phương), ông Tròn chua chát tâm sự. Theo đó, sau khi vụ việc của cháu Phương xảy ra, anh Thắng nhận án phạt 1 năm tù. Tuy nhiên, thương con, ông Tròn mang hết tất cả huân chương kháng chiến được trao tặng đi khắp các cơ quan công quyền để xin giảm án cho người con trai lầm lỗi.
“Sau khi gõ cửa hết các cơ quan chức năng, vợ chồng tôi xin giảm án được cho con 3 tháng. Ra tù về, tưởng rằng cháu sẽ hối cải về nhà nuôi nấng con thơ nhưng nó lại trở về sống với người vợ 2. Gia đình nó cách nhà tôi 3km nhưng không lúc nào thấy nó về thăm nhà, thăm con.
So với thời điểm 4 năm về trước, cháu Phương đã lớn lên trông thấy và rất thanh tú. Ảnh: Duẩn.
Nhiều khi có công việc gia đình, nhờ người đi tìm nhưng nó nhất quyết không về. Nó tuyên bố sẽ không trở về nhà tôi nữa cũng không nhận cháu Phương làm con”, ông Tròn chua chát tâm sự.
Được biết, trước khi vụ việc xảy ra, anh Nguyễn Doãn Thắng có đi vay mượn bà con, lối xóm để xây một căn nhà. Tuy nhiên, khi nhà mới hoàn thành xong phần thô, chưa màu nề gì thì Thắng bị bắt giam.
Cũng kể từ đó đến nay, gia đình ông Tròn, bà Đinh lại phải gánh thêm khoản nợ do người con trai đã vay mượn trước đó để xây nhà.
“Nhà thì không được ở nhưng tháng nào vợ chồng tôi cũng nai lưng ra để trả khoản nợ lãi vay mượn cho con. Khó khăn đủ bề chú ạ”, ông Tròn cho biết.
Dù nghèo khó nhưng gia đình ông Tròn, bà Đinh vẫn cố hết sức để nuôi cháu lên người. Ảnh: Duẩn.
Trong căn nhà dột nát thỉnh thoảng những giọt nước mưa lại tý tách rơi xuống nền nhà, ông Tròn, bà Đinh ngồi thở dài ngao ngán. Hơn ai hết, ông bà hiểu những khó khăn trước mắt mà mình phải trải qua để nuôi dạy đứa cháu côi cút thành người.
Cạnh bên, cháu Phương ngồi bẽn lẽn như cảm thông chia sẻ với những gì ông bà đang phải trải qua. Khuôn mặt thanh tú của cô bé 10 tuổi như chùng xuống khi tôi hỏi về mong ước của cháu.
“Cháu bây giờ chỉ mong ông bà luôn được khỏe mạnh. Nếu được nữa, cháu cũng mong bố mẹ cháu trở về bên cháu như ngày xưa. Cháu không giận gì bố cháu, cháu cũng không muốn dù mình còn bố, còn mẹ nhưng phải sống như một đứa trẻ côi cút”, Phương nghẹn ngào tâm sự.
Chia tay gia đình ông Tròn, bà Đinh, trong lòng tôi không khỏi dâng trào những xúc cảm. Cuộc sống còn rất dài, cháu Phương còn cả tương lai ở phía trước. Chỉ mong sao ông bà luôn là chỗ dựa vững chắc cho Phương vững bước trên đường đời.
Tên cháu bé đã được thay đổi.