Cực dễ để khử lưu huỳnh trong măng khô ngày Tết
Măng khô là thực phẩm không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán, thế nhưng không phải bà nội trợ nào cũng sơ chế và chế biến nguyên liệu này đúng cách.
Măng khô là măng tươi được sơ chế rồi đem phơi khô. Nó không chỉ để tích trữ mà măng khô còn đem đến hương vị mới khác hoàn toàn với măng tươi. Ở Việt Nam măng khô thường được dùng để nấu các món canh trong các bữa cỗ, tiệc và không thể thiếu vào dịp tết của mỗi gia đình.
Măng vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng, phù thũng do viêm thận, do suy tim và thiểu dưỡng, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao phiền khát, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông...
Tuy nhiên, nhiều người khá e dè vì nỗi lo loại thực phẩm này nhiễm lưu huỳnh, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), măng khô có 2 loại măng lá và măng củ. Hầu hết khi sấy khô người ta thường xông với lưu huỳnh để măng không bị mốc.
Theo đó, người ta sẽ đốt lưu huỳnh cháy và biến thành SO2, SO2 sinh ra sẽ tiêu diệt vi sinh vật ở trong măng, làm cho măng không bị mốc. Đây là loại nhiên liệu dùng để sấy măng được tổ chức y tế thế giới WHO công nhận sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên phải ở liều lượng cho phép. Nếu vượt quá ngưỡng, lưu huỳnh trong măng khô có thể gây tổn hại sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để khử lưu huỳnh trong măng khi sơ chế chỉ cần ngâm măng trong nước hoặc luộc măng thì lưu huỳnh sẽ tự động tan hoàn toàn vào nước. Nếu cẩn thận thì bạn có thể luộc măng 2 lần để đảm bảo an toàn hơn, đồng thời măng khi nấu cũng sẽ mềm và ngon hơn.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đưa ra lưu ý khi người dân sử dụng măng tươi vừa thu hoạch thì phải gọt vỏ, phải ngâm trong nước và luộc thật kỹ và rửa đi rửa lại nhiều lần nếu không sẽ bị ngộ độc vì trong măng tươi có một loại axit cyanide (HCN).