Cụ ông nguy kịch vì đau bụng cả tuần không đi khám

01-05-2020 19:39:47

Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa và Tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã phẫu thuật cứu sống cụ ông viêm phúc mạc có biến chứng nặng nề sốc nhiễm trùng nhiễm độc.

Người bệnh là cụ ông P. V. B. 73 tuổi, trú tại Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh có tiền sử 3 lần phẫu thuật, vào viện vì đau khắp bụng, mệt xỉu. Cách vào viện 1 tuần người bệnh có đau bụng nhưng không đi khám. Đến khi đau nhiều, mệt mỏi, gia đình mới đưa người bệnh vào viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Người bệnh vào viện trong tình trạng sốc, mạch nhanh nhỏ, rất khó bắt, huyết áp tụt còn 70/40 mmHg, thở ngáp, da nổi vân tím. Tình trạng nhiễm trùng rất nặng: bạch cầu trong máu giảm nhiều còn 1,5G/L, có biểu hiện suy đa tạng, thiếu máu cơ tim, rối loạn điện giải và khí máu nặng; Hình ảnh chụp CT-scanner cho thấy có khí tự do và rất nhiều dịch trong ổ bụng. Người bệnh được chẩn đoán sốc nhiễm trùng nhiễm độc do thủng tạng rỗng biến chứng suy đa tạng trên nền thể trạng già yếu, mổ cũ nhiều lần và có chỉ định mổ cấp cứu, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.


Bác sĩ khoa Ngoại tiêu hoá & Tổng hợp kiểm tra sức khoẻ người bệnh.

Phẫu thuật tiếp cận ổ bụng người bệnh, các bác sĩ nhận thấy dạ dày, ruột và các tạng ngâm trong khoảng 1.500 ml dịch xanh bẩn, rất nhiều giả mạc, chính là nguyên nhân gây sốc nhiễm trùng nhiễm độc cho người bệnh.

Tiến hành kiểm tra, các bác sĩ phát hiện thấy ở ruột non có 1 lỗ thủng đường kính 1 cm, xung quanh viêm dính nhiều giả mạc bẩn. Các phẫu thuật viên đã khâu lỗ thủng ruột, hút dịch bẩn, rửa sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu cho người bệnh.

4 ngày sau phẫu thuật tuy tình trạng người bệnh vẫn còn rất nặng nhưng có dấu hiệu khả quan, sức khỏe dần ổn định dần và đã đủ điều kiện xuất viện sau khoảng 4 tuần theo dõi điều trị.

Các bác sĩ Bệnh viện cho biết, thủng (vỡ) tạng rỗng có thể gặp ở dạ dày, tá tràng, đại tràng hay ruột non do nhiều nguyên nhân như: chấn thương bụng kín, dị vật, khối u hay do biến chứng của ổ loét dạ dày - tá tràng... Nếu phẫu thuật muộn tỉ lệ tử vong từ 2,5 – 10%, nguy cơ tử vong tăng cao ở người bệnh già yếu.

Vì vậy, người bệnh bị thủng tạng rỗng cần được chẩn đoán và phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ các tạng bị nhiễm khuẩn lâu gây sốc nhiễm trùng nhiễm độc nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp người bệnh B. thể trạng già yếu kèm theo mổ cũ nhiều lần rất may mắn sau phẫu thuật sức khoẻ tiến triển tốt và tránh được nguy cơ tử vong.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //