Covid-19 nối dài ‘cơn ác mộng’
Sau hơn 1 năm xuất hiện, đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới có một sự thay đổi rõ rệt về nhiều khía cạnh với các cuộc khủng hoảng về sức khỏe, xã hội, kinh tế, vị thế chính trị…Tuy nhiên có lẽ điều sẽ để lại “di chứng” lâu nhất và có tác động tiêu cực nhất đến con người, đặc biệt là các bệnh nhân chính là sự khủng hoả
Đại dịch Covid-19 khiến tâm lý con người trở nên bất ổn.
1. Theo Tiến sĩ Dorothy Wade, một nhà tâm lý chuyên tư vấn cho các bệnh nhân Covid-19 từng nằm ở phòng chăm sóc tích cực (ICU) ở London (Anh), những bệnh nhân Covid-19 từng phải ở ICU gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần trầm trọng và lâu dài.
Tiến sĩ Dorothy cho biết, các bệnh nhân rất cần chuyên gia tâm lý học để đồng hành vượt qua những di chứng nặng nề do Covid-19 đem lại.
“Tôi nghe tiếng thì thầm của các y tá trong đêm, sau tấm rèm xanh. Họ đang âm mưu sát hại tôi và con tôi. Tôi thấy một trong số họ rút súng ra từ túi xách”, là một trong những trải nghiệm đáng sợ và kỳ lạ mà tiến sĩ Dorothy được các bệnh nhân chia sẻ hằng ngày. Các bệnh nhân Covid-19 thường mắc chứng ảo giác hoặc ảo tưởng do trải qua thời gian dài điều trị ở ICU.
Có tới 80% bệnh nhân ở ICU bị mê sảng, đặc biệt là những người được dùng thuốc an thần để giúp “sống sót” qua thời gian thở máy. Những bệnh nhân này thường được uống một loại thuốc hướng thần (thuốc ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của họ), giúp bình tĩnh, thoải mái và dễ ngủ. Mặt trái của thứ thuốc này là chứng hay quên, lú lẫn và mê sảng.
Tình trạng mê sảng thường biến mất khi bệnh nhân được xuất viện, nhưng ảo giác, cùng với các sang chấn y tế khác, có thể đeo đuổi họ nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Có lẽ những điều trên đã đủ trở thành nỗi ám ảnh cho các bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên, đối với nhiều người, di chứng đáng sợ nhất là hiện tượng “sương mù não” khiến họ mất tập trung, suy giảm trí nhớ, khó khăn trong việc tổ chức cuộc sống cá nhân.
Không có gì ngạc nhiên khi các hội chứng hậu ICU ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ và sinh kế của bệnh nhân. Đơn giản thì quên những việc thiết yếu hằng ngày, chẳng hạn như quên uống thuốc. Nặng hơn thì mất khả năng lái xe hoặc quản lý tài chính. Một phần ba số người sống sót sau ICU không thể quay trở lại công việc họ từng làm.
Tác động tâm lý của bệnh nhân Covid-19 hậu ICU nghiêm trọng không khác với các bệnh nguy kịch khác, nhưng với nhiều người, di chứng nặng nề hơn rất nhiều.
Theo Tiến sĩ Dorothy chia sẻ, trong đợt bùng phát dịch thứ ba tại Anh, điều kiện ở ICU thật khó để miêu tả nó đáng sợ như thế nào. Không có người thân bên cạnh. Nhân viên y tế luôn trong bộ đồ bảo hộ như người ngoài hành tinh. Họ không có thời gian nói chuyện hay nắm tay an ủi bệnh nhân như thông thường. Cửa sổ phòng đóng kín mít. Tiếng ồn phát ra từ máy móc và chuông báo động nghe rợn người. Và dường như cơn mê sảng của các bệnh nhân dài và sâu hơn bình thường.
Còn quá sớm để biết tác động tâm lý lâu dài của bệnh nhân Covid-19 hậu điều trị ICU nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy khoảng 28% những người trải qua ICU bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), 31% bị trầm cảm và 42% mắc chứng lo lắng sau khi ra viện.
Nhiều bệnh nhân đã tự vật lộn để đối phó với các di chứng nặng nề sau khi xuất viện. Có những bệnh nhân rơi vào trầm cảm trầm trọng và cơn ác mộng Covid-19 vẫn có thể ám ảnh họ hết cuộc đời.
2. Ngoài việc ảnh hưởng tâm lý, bên cạnh đó, cơ thể con người cũng đang phải chịu đựng những tác động từ nhỏ đến lớn do đại dịch, đặc biệt là não bộ. Covid-19 đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, từ nỗi lo sợ lây nhiễm, mất đi người thân, giãn cách xã hội đến mất việc làm, khó khăn tài chính.
Tiến sĩ Ada Stewart, một bác sĩ gia đình ở Columbia, bang Nam Carolina và là Chủ tịch Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đất nước chúng ta. Là một bác sĩ gia đình, tôi nhận thấy dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân theo nhiều cách”.
Những lo ngại về đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lo lắng suốt đêm. Đối với một số người, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ.
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) công bố ngày 11/3, gần 1 trong 4 người trưởng thành (chiếm 23%) cho biết, họ uống rượu nhiều hơn khi đối mặt với những căng thẳng trong đại dịch.
Một cuộc khảo sát 5.000 người trưởng thành Mỹ được thực hiện vào tháng 9/2020 và công bố vào tháng 2/2021 cho thấy, các triệu chứng sức khỏe tâm thần ở người Mỹ đã gia tăng đáng kể. Trong đó, 33% người tham gia khảo sát có triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm, 30% có triệu chứng sang chấn tâm lý và căng thẳng, 15% sử dụng chất kích thích nhiều hơn và 12% cho biết họ đã nghĩ đến việc tự tử.
43% số người được hỏi báo cáo ít nhất một trong những triệu chứng sức khỏe tâm thần, con số gấp đôi số liệu trước đại dịch, Tiến sĩ tâm thần học Ken Duckworth (Trường Y Đại học Boston) cho biết.
“Sức khỏe tâm thần của người Mỹ nhìn chung trở nên tồi tệ hơn. Những kết nối giữa con người là liều thuốc chống trầm cảm và chống lo âu” - Tiến sĩ Ken Duckworth nói.
Theo NBC News, rất khó để bộ não ngủ đủ giấc. 67% người Mỹ trưởng thành cho biết, họ đang ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn mong muốn kể từ khi đại dịch bùng phát - theo của thăm dò của APA.
Đồng thời, nghiên cứu của APA công bố và nhiều nghiên cứu thực hiện trên thế giới chỉ ra rằng, giấc mơ của mọi người thường bị ám ảnh bởi tâm lý lo lắng và những cảm xúc tiêu cực.
Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 16/3 đã cảnh báo, nước Pháp có thể đang phải đối mặt với “làn sóng thứ ba” của đại dịch Covid-19 do sự xuất hiện của các biến thể mới, đặc biệt là chủng loại lần đầu tiên phát hiện ở Anh. Phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội, ông Jean Castex cho biết: “Vào ngày 17/3 năm ngoái, đất nước chúng ta lần đầu tiên phải tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội. Một năm sau, đất nước chúng ta đau xót khi có tới gần 91.000 người tử vong vì Covid-19. Hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn có thể giống như một làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh các biến thể mới đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, đặc trưng là biến thể lần đầu phát hiện ở Anh”. |