Con đường đầy xương trâu, bò ở Đông Anh: 'Họ đổ trộm vào ban đêm nên khó mật phục để bắt'

31-03-2018 12:26:29

Chính quyền địa phương cho biết mặc dù các hộ giết mổ đã đến tiến hành kí cam kết nhưng tình trạng đổ trộm vẫn diễn ra.

Khu tập kết xương, nội tạng trâu bò khiến người dân thôn Cổ Điển khốn khổ nhiều năm nay

Liên quan đến vụ việc nhiều hộ giết mổ trâu bò tại địa phận thôn Cổ Điển, xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) tiến hành đổ các phế phẩm trong quá trình giết mổ ra con đường liên xã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống sức khỏe của nhiều hộ dân, PV Đời sống Plus đã có buổi làm việc với chính quyền thôn Cổ Điển và xã Hải Bối về vấn đề này.

Hai ngày sau khi trở lại con đường khủng khiếp nhất huyện Đông Anh này, theo ghi nhận của PV tình trạng xương, nội tạng trâu bò chất thải sau quá trình giết mổ vẫn còn đó.

Ghi nhận vào chiều ngày 30/3, tại con đường này duy chỉ có phóng viên của một số báo đài đến ghi nhận tình hình còn tuyệt nhiên không hề thấy có bóng dáng 1 người dân nào đi qua.

Một người dân thông tin: “Mỗi khi có việc phải đi ra ngoài chúng tôi chấp nhận đi đường vòng chứ không thể chịu nổi mùi ô nhiễm”.

Nội tạng bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Anh Xuân, một công nhân từ nơi khác đến làm việc tại một xưởng cán thép trong bên trong xóm 2 thôn Cổ Điển lắc đầu ngao ngán: “Vì là người dân nơi khác đến đây làm thuê, không rành đường nên tôi buộc phải đi qua cung đường này.

Khi bắt đầu đến đoạn Công ty Phú Điền là tôi đã phải thở bằng mồm vì thực sự nếu thở bằng mũi thì không thể nào chịu đựng nổi”.

Theo chân một người dân trong thôn, PV có dịp dạo qua một số cơ sở giết mổ trâu bò nằm trong thôn Cổ Điển. Dễ dàng có thể nhận thấy tình trạng máu còn vương vãi sau quá trình giết mổ tại những cơ sở này.

Ruồi muỗi tập trung bu kín những phế phẩm sau quá trình giết mổ

Trước cánh cửa dẫn vào các lò mổ, chủ lò đều dùng sơn ghi nguệch ngoạc mấy chữ “cấm quay phim chụp ảnh hoặc no camera”. Khi thấy người lạ mặt dừng trước lò mổ, những người làm việc bên trong sẽ ra nhắc nhở, nặng hơn là chửi bới, sửng cồ.

Ông Nguyễn Quốc Mới, Trưởng thôn Cổ Điển lắc đầu ngao ngán: “Tình trạng ô nhiễm ở con đường này diễn ra từ khá lâu rồi. Số xương, nội tạng trâu bò tập kết ở 2 bên đường đều là của các hộ giết mổ đổ trộm ra đây”.

Theo ông Mới, trước đây, tình trạng ô nhiễm tại đây không khủng khiếp như bây giờ, chỉ từ khi công ty chế biến, thu mua những phế phẩm này không làm việc nữa thì tình trạng ô nhiễm khủng khiếp mới diễn ra.

Móng trâu, móng bò vứt vương vãi khắp nơi

“Các hộ đều lựa thời gian sáng sớm từ 2h đến 4h để tiến hành đổ trộm nên chính quyền thôn cũng rất khó mật phục, bắt quả tang. Hơn nữa, mùi xú uế nồng nặc từ đây bốc lên nên không thể đứng lâu để mật phục được”, ông Mới thông tin.

Sau khi nhận được nhiều phản ánh của người dân, bản thân ông Mới cũng trực tiếp đến các hộ gia đình có lò giết mổ để nhắc nhở nhưng hiện trạng đổ trộm vẫn đâu lại vào đó.

“Tôi hi vọng các cơ quan báo chí vào cuộc thật mạnh tay để chính quyền xã, huyện để giúp người dân thoát khỏi tình trạng ô nhiễm trên”, ông Mới nhắn nhủ.

Mặc dù đã kí vào biên bản cam kết nhưng các hộ giết mổ trâu bò vẫn lợi dụng đêm hôm để đổ trộm

Còn về chính quyền xã Hải Bối, khi được hỏi về thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Toản, Chủ tịch UBND xã Hải Bối cho biết: “Cả xã có 13 lò giết mổ tư nhân, các cơ sở này đều có giấy phép bên ngành thú y cung cấp. Vào dịp Tết vừa qua, các hộ này giết mổ nhiều dẫn đến phế phẩm chất đống tại đây”.

Cũng theo ông Toản, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng UBND xã Hải Bối đã mời các chủ lò mổ đến làm việc và ký cam kết nhưng tình trạng đổ trộm vẫn diễn ra.

“Nếu tình trạng đổ trộm vẫn diễn ra, UBND sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện để có biện pháp xử lý mạnh tay hơn”, ông Toản thông tin.

Chính quyền xã Hải Bối vẫn chưa có biện pháp triệt để để chấm dứt tình trạng này

Nói về hướng xử lý những rác thải tại con đường này, ông Toản cho biết thêm: “Trước mắt, chính quyền xã đã mua xăng, dầu để tiêu hủy đống phế phẩm gây ô nhiễm và đào hố chôn. Còn về phương án lâu dài, xã đã kiến nghị lên UBND huyện để có kế hoạch di dời các lò mổ ra khỏi khu dân cư và xây dựng một khu xử lý phế phẩm động vật riêng biệt”.

Thiết nghĩ, UBND huyện Đông Anh và cao hơn là UBND TP. Hà Nội cần vào cuộc mạnh tay để trả lại môi trường sống trong lành cho những người dân tại đây.

Xem thêm:

Hải quan khổ vì vụ ly hôn của 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //